Tác dụng của Hà Thủ Ô quý như Linh Chi, Đông Trùng Hạ Thảo

(VOH) - Tác dụng của hà thủ ô có thể so sánh với những vị thuốc quý như linh chi, đông trùng hạ thảo. Đây là 1 vị thuốc có tác dụng tốt trong việc trị suy nhược thần kinh, giúp trẻ lâu, đen râu tóc...

Dân gian có câu: "Muốn cho xanh tóc - đỏ da.  Rủ nhau lên núi tìm hà thủ ô". Và quả thật hà thủ ô là cây thảo dược quý có thể giúp điều trị một số bệnh lý cũng như cải thiện sức khỏe.

1. Hà thủ ô là gì?

Hà thủ ô (hay hà thủ ô đỏ) có tên khoa học là Polygonum multiflorum Thunb, là một loại thảo dược của Trung Quốc, thuộc họ Rau răm (Polygonaceae), bộ Cẩm chướng (Caryophyllales). Loài cây thường được sử dụng làm thuốc.

Đây là một loại cây lâu năm, thân mềm dạng dây leo quấn với nhau, rễ phình to thành củ màu đỏ. Lá mọc xen kẽ, hình tim, đầu nhọn, dài 5 - 7cm, rộng 3 – 5 cm. Cụm hoa hình chùy mọc ở đầu cành hoặc nách lá, mang nhiều hoa nhỏ, màu trắng, cuống dài, 3 mảnh vòng ngoài lớn lên cùng quả. Quả 3 cạnh, khô, không tự mở.

Tác dụng của Hà Thủ Ô quý như Linh Chi, Đông Trùng Hạ Thảo 1
Hà thủ ô là thảo dược có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Nhiều người cho rằng, hà thủ ô có nguồn gốc tại Trung Quốc, tên vị thuốc được đặt theo tên của người đã từng sử dụng thuốc. Tại Việt Nam, hà thủ ô thường chỉ mọc ở những miền núi rừng xa xôi như Hoàng Liên Sơn, Hòa Bình, Tây Bắc…

1.1 Thành phần hóa học của hà thủ ô đỏ

Trong các nghiên cứu hiện đại, hà thủ ô đỏ có rất nhiều thành phần như: anthraglycosid; protid, tinh bột, lipid, chất vô cơ và các chất tan trong nước như lecithin, rhaponticin...

Trong thảo dược này còn nổi bật lên hai nhóm chất quan trọng là:

Nhóm Anthranoid

Anthranoid chiếm 1.7% trong các thành phần có trong hà thủ ô. Những thành phần này có tác dụng giúp tăng nhu động ruột, phân mềm hơn, có lợi cho các trường hợp viêm đại tràng (thể nhiệt), táo bón.

Nhóm Tannin

Tannin là những thành phần khiến cho hà thủ ô có vị chát. Có tác dụng trong các trường hợp bị viêm đại tràng (thể hàn), đại tiện phân lỏng. Tuy nhiên, thành phần này lại không có lợi cho các trường hợp viêm đại tràng (thể nhiệt) và táo bón.

1.2 Phân loại hà thủ ô

Ở Việt Nam, hà thủ ô có 2 loại là hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng, trong đó hà thủ ô đỏ có tác dụng ưu việt và mới là loại dùng để làm thuốc. Ngoài ra, hà thủ ô đỏ cũng rất dễ bị nhầm lẫn với củ nâu.

Tác dụng của Hà Thủ Ô quý như Linh Chi, Đông Trùng Hạ Thảo 2
Hà thủ ô đỏ dễ bị nhầm lẫn với hà thủ ô trắng và củ nâu (Nguồn: Internet)

Dưới đây là những đặc điểm khác nhau của 3 loại thảo dược này giúp bạn có thể phân biệt dễ dàng:

Hà thủ ô đỏ

  • Tên gọi khác: Giao đằng, dạ hợp, địa tinh
  • Tên khoa học: Fallopia multiflora
  • Họ: Rau răm Polygonaceae
  • Đặc tính: Có hình dáng gần giống với củ khoai lang, mặt ngoài màu nâu đỏ, có nhiều chỗ lồi lõm, cứng chắc, rất khó bẻ. Mặt cắt ngang có lớp vỏ màu nâu sậm, lớp bên trong màu hồng có nhiều bột, ở giữa thường có lõi gỗ cứng. Bột có màu nâu hồng, không mùi, vị đắng chát.

Hà thủ ô trắng

  • Tên gọi khác: Hà thủ ô nam, bạch hà thủ ô, củ vú bò, dây sữa bò, dây mốc, cây sừng bò cây đa lông, khâu cần cà (Thổ), khâu nước (Lạng Sơn), mã liên an,…
  • Tên khoa học: Streptocaulon juventas
  • Họ: Thiên lý Asclepiadaceae
  • Đặc tính: Là loại cây dây leo, thơm nhẹ, vị đắng chát, có nhiều nhựa trắng trên thân lá. Không có tác dụng bồi bổ cơ thể như hà thủ ô đỏ.

Củ Nâu

  • Tên gọi khác: khoai leng, thự lương, giả khôi, khoai leng, má bau (Thái)
  • Tên khoa học: Dioscorea cirrhosa,
  • Họ: Dioscoreaceae
  • Đặc tính: Thường có màu nâu hồng hay nâu tím, hình hơi tròn hoặc bầu dục. Bên ngoài hơi sần sùi hay có xơ gai nhỏ bị cắt ngang hay dọc, cứng, khó bẻ, vị rất chát, se lưỡi. Có tác dụng thanh nhiệt, sát trùng, cầm máu, hoạt huyết, cầm tiêu chảy. Có thể gây táo bón. Dùng lâu ngày sẽ gây tích tụ chất độc hại gan và thận.

2. Hà thủ ô có tác dụng gì?

Theo y học cổ truyền, hà thủ ô đỏ có vị đắng chát, hơi ngọt, tính ấm, có tác dụng tăng cường sức khỏe nói chung, đặc biệt là với người cao tuổi. Trong đó, các tác dụng phổ biến nhất của hà thủ ô là giúp bổ máu, chữa táo bón, mất ngủ, suy thận, gan yếu, suy nhược thần kinh, đau lưng mỏi gối.

2.1 Giúp đen râu tóc

Dịch chiết trong hà thủ ô làm chậm quá trình thoái hóa của tế bào, giúp tóc giữ được màu sậm đen lâu dài. Nhờ điều này mà nhiều người dùng hà thủ ô có tóc bạc đã chuyển dần sang màu sậm hơn.

2.2 Nhuận tràng

Thành phần anthranoid trong hà thủ ô có tác dụng giúp làm tăng nhu động ruột, xúc tiến khả năng tiêu hóa của dạ dày và ruột, từ đó cải thiện được cá trường hợp bị đại tiện táo kết hoặc tiêu hóa kém.

Tác dụng của Hà Thủ Ô quý như Linh Chi, Đông Trùng Hạ Thảo 3
Hà thủ ô có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

2.3 Da hồng hào

Hà thủ ô thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của hồng cầu giúp da hồng hào, khỏe mạnh. Hà thủ ô với phụ nữ mang nhiều công dụng như giúp chữa thiếu máu, rối loạn kinh nguyệt, cải thiện một số triệu chứng khó chịu trong giai đoạn tiền mãn kinh.

Xem thêm: Những ảnh hưởng không nhỏ của giai đoạn tiền mãn kinh đến sức khỏe và đời sống

2.4 Cải thiện tuần hoàn não

Theo kết quả của một cuộc nghiên cứu khoa học cho thấy hà thủ ô có tác dụng điều trị chứng suy giảm trí nhớ cho người bị Alzheimer

Ngoài ra, các hoạt chất có trong hà thủ ô còn giúp cải thiện hệ thống tim mạch, tăng cường chức năng miễn dịch, hạ men gan, kích thích tiêu hóa. Khi dùng đúng liều lượng sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, đau tim, đột quỵ.

3. Cách chế biến hà thủ ô đỏ

Muốn sử dụng hà thủ ô đỏ bạn cần biết cách chế biến loại thảo dược này bằng cách:

  • Hà thủ ô khô rửa sạch, cạo vỏ, ngâm với nước vo gạo 24 giờ rồi ủ cho mềm, đem thái lát.
  • Đậu đen rửa sạch, nhặt bỏ hạt lép, hạt sâu, ngâm nước 30 phút.
  • Cho hà thủ ô đỏ vào chảo hấp, cứ 10kg hà thủ ô đỏ thì cho 100g đậu đen, nấu cho đến khi hạt đậu đen chín nhừ.
  • Sau đó để nguội, bỏ lõi, đem đi phơi khô.
  • Lặp lại các bước trên 9 lần được xem là tốt nhất.

4. Các bài thuốc từ hà thủ ô đỏ

  • Trị xơ cứng mạch máu, huyết áp cao hoặc nam giới tinh trùng yếu, khó có con: 20g hà thủ ô đỏ, 16g tầm gửi dâu, 16g kỳ tử và 16g ngưu tất, tất cả đem sắc uống.
  • Trị cholesterol trong máu cao: 900g hà thủ ô tươi rang giòn, nghiền bột. Mỗi lần lấy 15g pha với nước ấm, uống ngày 2 lần, liên tục trong 30 ngày.
  • Làm tóc, râu trắng hóa đen, khỏe gân xương, bền tinh khí, sống lâu: Lấy 400g hà thủ ô đỏ và 400g hà thủ ô trắng đem ngâm với nước vo gạo trong 4 ngày, sau đó cạo bỏ vỏ, cho vào chõ nấu với đậu đen. Sau khi chín, lấy hà thủ ô đi phơi khô và lặp lại các bước trên 9 lần. Cuối cùng, lấy hà thủ ô sấy khô và tán bột.

5. Những lưu ý khi dùng hà thủ ô đỏ

Trong hà thủ ô có 2 thành phần chính là anthranoid có tác dụng làm tăng nhu động ruột và gây tiêu chảy, trong đó thành phần tannin lại có tác dụng se ruột, gây táo bón.

Như vậy đây là 2 thành phần có tác dụng đối lập nhau, vì thế, để dùng hà thủ ô bạn cần loại bỏ hết phần tannin khi chế biến để không bị táo bón, bằng cách ngâm với vo gạo và chế biến như cách hướng dẫn trên.

Ngoài ra, một số lưu ý khác bạn cũng cần phải nhớ là:

  • Hà thủ ô không có liều lượng an toàn nào được xác định, vì thế, hãy thảo luận với bác sĩ để được đưa ra liều dùng hợp lý.
  • Phụ nữ có thai hoặc cho con bú không nên tùy tiện dùng hà thủ ô mà nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Bệnh nhân tiêu chảy hoặc mẫn cảm với thảo mộc không nên dùng hà thủ ô.
  • Hà thủ ô đỏ có thể làm tăng tác dụng của thuốc hạ huyết áp.
  • Hà thủ ô đỏ có thể làm tăng nguy cơ hạ kali máu khi dùng với thuốc lợi tiểu mất kali.
  • Một số phản ứng phụ có thể xảy ra: buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, tiêu chảy, nhuận tràng (dùng lâu dài).

6. Tác dụng phụ và rủi ro khi sử dụng hà thủ ô

Mặc dù hà thủ ô là một loại thảo dược phổ biến, nhưng chúng cũng được ghi nhận là có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy, đau bụng và nôn. Ngoài ra, trường hợp khá hiếm gặp khác là có thể gây ra các tổn thương ở gan và thận.

Chính vì nó vẫn có tồn tại những rủi ro nhất định khi sử dụng, nên các chuyên gia khuyến cáo tất cả mọi người nên thận trọng khi sử dụng loại thảo dược này. Tốt nhất vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng hà thủ ô.

Như vậy, hà thủ ô là một loại thảo dược được sử dụng khá nhiều trong Đông y với các tác dụng tốt cho sức khỏe, mái tóc và làn da. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro tồn tại với loại thảo dược này khi không được hướng dẫn sử dụng đúng cách. Vì thế, hãy thật thận trọng khi sử dụng hà thủ ô để cải thiện sức khỏe.