Thai nhi bị dây rốn quấn cổ có nguy hiểm không?

Khi thai nhi rơi vào tình trạng dây rốn quấn cổ đã khiến cho rất nhiều mẹ bầu lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Vậy sự thật hiện tượng thai nhi bị dây rốn quấn quanh cổ có nguy hiểm không?

Có không ít phụ nữ mang thai đã lo sợ về những nguy cơ có thể gặp phải trong quá trình sinh nở, đặc biệt với hiện tượng thai nhi bị dây rốn quấn cổ. Nhiều mẹ bầu còn cho rằng, dây rốn quấn cổ thai nhi sẽ khiến em bé bị ngạt thở. Tuy nhiên, thực tế thai nhi nhận dưỡng chất cũng như nguồn oxy qua dây rốn chứ không phải bằng việc hít, thở qua mũi và miệng.

1. Vì sao thai nhi bị dây rốn quấn cổ?

Theo số liệu từ tổ chức NCBI trực thuộc Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (National Library of Medicine, NLM), cơ quan của Các viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health, NIH) thì có đến 1/3 số trẻ sinh ra có dây rốn quấn cổ, dù sinh thường hay sinh mổ.

Dây rốn quấn cổ (tràng hoa quấn cổ) là một hiện tượng xảy ra khi thai nhi có những cử động và sự thay đổi vị trí thường xuyên vào những tháng cuối thai kỳ. Theo đó, dây rốn sẽ bị cuộn lại và quấn quanh thai nhi, thường gặp nhất là quấn quanh cổ.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như: cấu tạo tế bào thành mạch rốn không đủ, cấu trúc dây rốn yếu, quá nhiều nước ối... và cũng có thể là do dây rốn quá dài. Dây rốn thường có chiều dài trung bình dao động khoảng 50 – 60cm. Dây rốn càng dài, càng làm tăng nguy cơ dây rốn quấn cổ, thậm chí có cả hiện tượng thắt nút.

2. Cách nhận biết dây rốn quấn cổ

Siêu âm là cách chính xác nhất để phát hiện tình trạng dây rốn quấn cổ thai nhi. Không chỉ biết được thai có bị dây rốn quấn cổ hay không mà việc siêu âm còn giúp bác sĩ biết được dây rốn quấn cổ thai nhi 1 vòng, 2 vòng hay nhiều vòng.

thai-nhi-bi-day-ron-quan-co-co-nguy-hiem-khong-voh

Siêu âm có thể phát hiện được dây rốn quấn 1 vòng, 2 vòng hoặc nhiều vòng quanh cổ thai nhi (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần phải theo dõi những ‘cú đạp’ của con, đặc biệt là từ tuần thứ 30 trở về sau. Nếu bé cử động ít hoặc dữ dội hơn bình thường thì mẹ bầu nên đi gặp bác sĩ để được thăm khám ngay lập tức.

3. Dây rốn quấn cổ em bé có sao không?

Ngoài việc khiến cho mẹ bầu lo lắng thì hầu hết các trường hợp dây rốn quấn cổ thai nhi không gây biến chứng gì đến sức khỏe mẹ và bé. Khi siêu âm, nếu bác sĩ thấy thai nhi có dây rốn quấn cổ sẽ tiến hành theo dõi chặt chẽ cho đến khi mẹ ‘vượt cạn’ thành công.

Chỉ một số trường hợp hiếm gặp thai nhi bị dây rốn quấn quanh cổ có thể gặp nguy hiểm khi dây rốn quấn chặt, nhiều vòng khiến em bé bị thiếu oxy, giảm nhịp tim trong lúc sinh.

Chính vì thế, điều quan trọng nhất chính là mẹ cần phải theo dõi trong suốt thai kỳ, nếu cần thiết bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai để bảo đảm an toàn cho cả hai mẹ con.

4. Cách chữa dây rốn quấn cổ thai nhi như thế nào?

Các nghiên cứu y học hiện nay vẫn chưa tìm ra được phương pháp nào có thể khắc phục hiện tượng dây rốn quấn cổ bé khi còn trong bụng mẹ. Phần lớn là dựa vào khả năng vận động của thai nhi để dây rốn trở lại vị trí như bình thường (tức là dây rốn độc lập, không quấn vào bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể bé).

thai-nhi-bi-day-ron-quan-co-co-nguy-hiem-khong-1-voh

Đa phần thai nhi bị dây rốn quanh cổ sẽ tự 'xoay sở' để dây rốn trở lại bình thường (Nguồn: Internet)

Do vậy, khi thai nhi gặp phải tình trạng này, mẹ bầu cần phải giữ tâm trạng thoải mái kết hợp với một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và tập luyện thể dục thường xuyên để cơ thể khỏe mạnh, thai nhi phát triển tốt và hoạt động nhiều hơn để tự gỡ dây rốn.

4.1 Một số lưu ý mẹ nên nhớ

  • Nằm nghiêng bên trái: Khi nằm nghiêng bên trái sẽ rất có lợi cho việc lưu thông máu đến thai nhi. Trường hợp thai nhi bị dây rốn quấn cổ mẹ cũng nên nằm nghiêng bên trái để giúp tăng lưu lượng máu đến tử cung. Mẹ nên đặt 2 chiếc gối dưới đùi để có tư thế nằm thoải mái nhất.
  • Theo dõi cử động thai: Khi thai nhi bị dây rốn quấn cổ mẹ cần theo dõi cử động của thai nhi. Tiêu chuẩn cử trung bình của thai nhi là 10 lần/12 giờ. Nếu bé cử động quá ít hay quá nhiều thì mẹ cũng đều cần đến bệnh viện để kiểm tra.
  • Chú ý hoạt động của mẹ: Thai phụ nên chú ý đến hoạt động đi lại, nên đi lại nhẹ nhàng, không nên lúc nào cũng ngồi hoặc nằm một chỗ, tránh lao động nặng, hoạt động quá sức hoặc tập luyện thể thao cường độ cao.

5. Dây rốn quấn cổ có đẻ thường được không?

Nhiều mẹ bầu nghĩ rằng sinh mổ sẽ là giải pháp tốt và hợp lý nhất dành cho những trường hợp thai nhi bị dây rốn quấn quanh cổ. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng không phải trường hợp nào cũng cần thực hiện mổ lấy thai. Việc sinh mổ đôi khi sẽ mang tới nguy hiểm cho cả mẹ lẫn bé.

Thông thường, khi nhận thấy thai nhi vẫn khỏe mạnh và vòng quấn quanh cổ ít, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thường. Với những trường hợp trẻ bị dây rốn quấn quá chặt gây thiếu oxy, thiếu máu thì lúc đó thai phụ hãy làm theo chỉ định của bác sĩ mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.