Thành tựu ghép tạng từ những quyết sách kịp thời của Thành phố

(VOH) - Không chỉ khẳng định thế mạnh về kinh tế, TPHCM ngày càng phát huy vai trò đầu tàu của mình trong lĩnh vực y tế với sự phát triển vượt bậc của các kỹ thuật y tế chuyên sâu, đặc biệt là kỹ thuật ghép tạng.

Ngày 4/6/1992, ca ghép thận đầu tiên được bệnh viện Quân Y 103 thực hiện thành công  mở ra một bước ngoặt mới cho ngành ghép tạng vốn còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

Tháng 12/1992, ca ghép thận đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.

Tiếp sau đó bệnh viện Nhân dân 115, bệnh viện Nhân dân Gia Định và bệnh viện Nhi đồng 2 nhanh chóng phát triển kỹ thuật ghép tạng tại cơ sở.

Giáo sư Trần Ngọc Sinh người thực hiện ca ghép đầu tiên tại TPHCM nhớ lại những năm đầu tiên của thập niên 90. Ông thừa nhận lúc đó mình chưa hề biết gì về ghép thận, chỉ được đọc qua tài liệu, sách báo. Khi được bố trí vào nhóm ghép quốc gia tiến hành ghép ca đầu tiên cũng là lần đầu tiên giáo sư Trần Ngọc Sinh bắt đầu dấn thân vào kỹ thuật mới. Tính đến nay, giáo sư Trần Ngọc Sinh đã có thâm niên hơn 35 năm miệt mài nghiên cứu trong lĩnh vực thận niệu.

Năm 2004, ca ghép thận đầu tiên trên trẻ em được thực hiện thành công tại bệnh viện Nhi đồng 2 và sau đó 1 năm, các bác sĩ ngoại khoa đã mạnh dạn ghép gan đầu tiên cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất, chỉ mới 23 tháng tuổi.

Trong giai đoạn đầu khó khăn đó, nhớ lại ca ghép gan đầu tiên, Giáo sư Trần Đông A nhìn nhận, chính những quyết sách kịp thời của UBND TPHCM là những yếu tố tiên quyết cho sự thành công của các ca ghép.

“Bí quyết thành công còn nằm ở yếu tố con người. Cách đây mười mấy năm, bài toán đào tạo con người đã được đặt ra và được xem là cốt lõi để phát triển kỹ thuật chuyên sâu này. Không chỉ bác sỹ, từ phẫu thuật viên, gây mê, điều dưỡng… đều được gửi đi học ở nước ngoài. Tiếp đó là xây dựng một chương trình đào tạo bài bản trong lĩnh vực ghép tạng của VN” Giáo sư Trần Đông A – nguyên phó giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết.

Các bác sĩ thực hiện một ca ghép gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: TNO

Hơn 10 năm trở lại đây, lĩnh vực y tế chuyên sâu của TPHCM liên tục đạt được những bước tiến không ngừng. Kế thừa thành tựu của ngành ngoại khoa từ các bậc cha anh, đội ngũ bác sĩ trẻ sau này tiếp tục ngày đêm phấn đấu xây dựng ngành Y tế Thành phố trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước, ngang tầm với khu vực cùng các quốc gia tiên tiến khác. Các đơn vị y tế đã ứng dụng công nghệ cao trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ của người dân thành phố và cả nước để trở thành trung tâm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu trong lĩnh vực này.

Không riêng ghép tạng, rất nhiều kỹ thuật cao trong lĩnh vực như: lâm sàng, cận lâm sàng, kỹ thuật sinh học, kỹ thuật nội soi, điều trị can thiệp tim mạch… đã đồng loạt được triển khai thực hiện.

Sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật ghép tạng mang đến niềm vui cho biết bao gia đình có người thân bị suy thận mãn hay suy gan mà không còn cách cứu chữa. Không riêng TPHCM, hiện nay nhu cầu ghép tạng ở nước ta là rất lớn. Tính chung cả nước đang có hơn 15.000 trường hợp có nhu cầu ghép trong đó có 8.000 ca suy thận giai đoạn cuối, 1.500 người cần ghép gan và 6.000 bệnh nhân chờ ghép giác mạc.. cùng hàng trăm người đang chờ ghép tim, phổi, tụy tạng…

Để tháo gỡ khó khăn về nguồn tạng ghép, bệnh viện Chợ Rẫy tiên phong thực hiện vận động làm sao để người chết não hay ngưng tim có thể cho đi nhiều tạng phủ. Mới đây nhất, lần đầu tiên một người đã hiến tặng mô tang ghép cùng lúc cho 6 người có nhu cầu.

Những kỹ thuật cấy ghép tiên tiến, nhiều người hiến tặng các bộ phận cơ thể của mình sau khi qua đời… những điều đó đã tạo thêm cơ hội sống cho nhiều người./.