"Thời điểm vàng" tăng trưởng chiều cao

(VOH) - Giai đoạn tuổi dậy thì được xem là “thời điểm vàng” tăng trưởng chiều cao cả nam và nữ. Làm cách nào để “bật cao” tốt nhất trong giai đoạn này?

Đọc giả nữ Quỳnh Như gửi thư từ địa chỉ email: class…@yahoo.com.vn hỏi: Em năm nay học lớp 10 nhưng chỉ cao 1m40. Em muốn tập xà đơn để tăng chiều cao liệu có phù hợp hay không? Nếu được, em nên tập như thế nào? Ngoài ra còn cách nào tăng chiều cao hiệu quả hơn không? Liệu việc uống thuốc hay uống sữa có cải thiện chiều cao ? 

Giai đoạn tuổi dậy thì được xem là "thời điểm vàng" tăng trưởng chiều cao. Hình ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Bác sĩ Lê Văn Nhân, phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Hồ Chí Minh trả lời:

Em năm  nay 15 tuổi. Việc tính toán chỉ số BMI (chỉ số cơ thể): lấy Cân nặng kg / (Chiều cao)2. Tuy nhiên do em dưới 18 tuổi (lớp 10 là 15 tuổi), nên BMI phải được tính cho các em dưới 18 tuổi thì mới chính xác.

Việc tăng cân và tăng chiều cao phải cần đầy đủ các yếu tố: dinh dưỡng, vận động và cả vấn đề cơ địa (di truyền). Chiều cao của em còn tăng cho đến năm 25 tuổi, nhưng giai đoạn này là chiều cao tăng nhiều nhất.

Ở tuổi dậy thì, việc tập luyện thể thao là rất cần thiết. Em có thể tập nhiều môn như: bơi lội, chạy, thể hình, cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ, khiêu vũ…, và kể cả xà đơn. Để tập thể dục hiệu quả, em cần đến các Trung tâm thể thao gặp chuyên gia về thể dục thể thao để được tư vấn về môn tập, cách tập phù hợp.

Hải sản, trứng, sữa.... là những thức ăn chứa nhiều can-xi và Vitamin D3, giúp tăng trưởng chiều cao.

Một yếu tố hỗ trợ “nhiệt tình” cho việc tăng chiều cao, đó là chế độ dinh dưỡng. Em cần ăn những thức ăn có nhiều can-xi và vitamin D3 (có trong hải sản, trứng, sữa…). Ngoài ra, em có thể dùng thuốc có nhiều can-xi và vitamin D3. Tuy nhiên, đừng vì mong muốn chiều cao cải thiện vượt trội mà lạm dụng thuốc. Hơn nữa, can-xi và vitamin D3 có trong thực phẩm thì tốt hơn là trong thuốc vì sẽ được cơ thể hấp thu tốt hơn và hầu như không có tác dụng phụ.