Tìm hiểu về bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

(VOH) - Bệnh võng mạc thường xuất hiện ở những trẻ sinh thiếu tháng, căn bệnh này tuy không quá phổ biến nhưng khi xuất hiện có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ sau này.

Theo thống kê thì có khoảng 20 – 30% trẻ sinh non mắc bệnh lý võng mạc, căn bệnh có thể làm giảm thị lực hoặc mù lòa vĩnh viễn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Vậy làm thế nào để nhận biết được căn bệnh này, đã có những phương pháp nào điều trị chưa và có những vấn đề gì cần lưu ý nếu trẻ sinh non mắc bệnh võng mạc… Tất cả câu trả lời sẽ được Tiến sĩ, Bác sĩ Cam Ngọc Phượng – Trưởng khoa sơ sinh, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc chia sẻ trong bài viết sau đây.

1. Tìm hiểu về bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

Bệnh võng mạc (tên viết tắt là ROP) đây là một bệnh lý xảy ra ở võng mạc của trẻ sinh non. Bình thường, tại võng mạc sẽ tồn tại nhiều mạch máu, ở những trẻ sinh đủ tháng mạch máu sẽ được mọc đầy đủ từ gai thị đến hết mắt giúp bé có thể nhìn thấy và ghi nhận được các hình ảnh xung quanh.

Tuy nhiên, với những trẻ sinh non thì trẻ có thể mắc phải một số bệnh lý trong quá trình chăm sóc sau sinh như bé bị thiếu hoặc bị dư oxy máu, làm cho những võng mạc này không thể phát triển bình thường mà tăng sinh lên quá mức, bám vào võng mạc và co kéo, khiến cho võng mạc không thể bám vào mặt sau của mắt và bị bong ra, gây mù.

Ở những nhóm trẻ sinh non với cân nặng khoảng 800gram thì gần như có đến 80% trẻ sẽ bị bệnh võng mạc. Với những nhóm trẻ được sinh ra với cân nặng từ 1kg trở lên thì có khoảng 50% trẻ sẽ mắc phải căn bệnh này. Nguyên nhân là do bản thân trẻ sinh ra bị non tháng dẫn đến các mạch máu không được phát triển đầy đủ (không liên quan đến việc chăm sóc của người mẹ).

benh-vong-mac-o-tre-sinh-non-co-the-khien-be-bi-mu-vinh-vien-VOH

Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non có thể gây ảnh hưởng thị lực của trẻ sau này (Nguồn: Internet)

Theo bác sĩ Cam Ngọc Phượng, việc không phát hiện và điều trị sớm bệnh võng mạc ở trẻ sinh non có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực của trẻ, đặc biệt là nguy cơ trẻ bị mù lòa rất cao.

Đặc biệt hơn nếu như trẻ được 2 - 3 tháng tuổi cha mẹ mới phát hiện được trẻ mắc phải căn bệnh này thì sẽ không thể điều trị được. Do đó, cha mẹ cần phải hết sức lưu ý và tiến hành can thiệp sớm ngay sau sinh nếu trẻ được chẩn đoán bị bệnh võng mạc.

2. Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non bao gồm những cấp độ nào ?

Bác sĩ Phượng cho biết, những trẻ được cho là sinh non khi bé được sinh ra khi tuần tuổi thai dưới 37 tuần (tính từ lúc mẹ mang thai) và cân nặng của bé dưới 2,5kg. Trong đó những bé được cho là sinh rất nhẹ cân thì cân nặng của bé dưới 1,5kg. Những bé sinh non cực nhẹ cân thì cân nặng của bé dưới 1kg.

Và không phải bất cứ trẻ sơ sinh nào có cân nặng dưới 2,5kg cũng đều phải tiến hành khám võng mạc mắt mà còn phải dựa vào tuần tuổi thai của bé. Thông thường, những bé sinh dưới 34 tuần mới cần tiến hành khám võng mạc.

Đối với bệnh võng mạc ở trẻ sinh non được chia thành 5 cấp độ:

  • Bệnh võng mạc độ 1: Các mạch máu bất thường đã có bắt đầu có sự tăng trưởng nhẹ.
  • Bệnh võng mạc độ 2: Các mạch máu bất thường bắt đầu gò lên và tăng sinh nhiều hơn.
  • Bệnh võng mạc độ 3: Các mạch máu tăng sinh nhanh chóng và tạo thành các sẹo xơ, gây co kéo.
  • Bệnh võng mạc độ 4 (cách giai đoạn 3 chỉ 48 tiếng): Có sự tăng trưởng nghiêm trọng ở các mạch máu bất thường và võng mạc bắt đầu bị bong ra.
  • Bệnh võng mạc độ 5: Bong toàn bộ võng mạc.

3. Thời điểm nào là phù hợp nhất để đưa trẻ sinh non đi tầm soát bệnh võng mạc ?

Đối với bệnh võng mạc ở trẻ sinh non thì thời điểm thăm khám trẻ là cực kì quan trọng.

Lần khám mắt đầu tiên sẽ được quyết định bởi tuần tuổi thai của trẻ.

  • Nếu trẻ được sinh ra trên 30 tuần thì lần khám mắt đầu tiên của trẻ là khi bé đã được sinh ra sau 3 tuần tuổi.
  • Nếu tuần tuổi sinh của bé từ 28 – 30 tuần tuổi thì lần khám mắt đầu tiên của bé sẽ được tiến hành ở tuần thứ 4 sau khi sinh.
  • Với những bé dưới 28 tuần thì lần khám mắt đầu tiên của bé sẽ được tiến hành ở tuần thứ 5 sau khi sinh.

benh-vong-mac-o-tre-sinh-non-co-the-khien-be-bi-mu-vinh-vien-1-VOH

Tầm soát sớm bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là rất cần thiết (Nguồn: Internet)

Theo bác sĩ Cam Ngọc Phượng, bệnh võng mạc ở trẻ sinh non nếu được phát hiện ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 thì bệnh có khả năng sẽ tự thoái triển (tự lành lại) và không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện khi ở giai đoạn 3 thì bắt buộc phải tiến hành phẫu thuật mắt, nếu không nguy cơ cao trẻ sẽ bị mù lòa vĩnh viễn.

4. Điều trị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non như thế nào ?

Bác sĩ Phượng nhấn mạnh, đối với bệnh võng mạc nếu được chẩn đoán và xử lý kịp thời sẽ có thể ngăn chặn được tiến trình bong võng mạc ở trẻ. Đây là một điều hết sức quan trọng mà các bậc cha mẹ cần phải quan tâm.

Trước đây, phương pháp chính để thực hiện việc phẫu thuật võng mạc mắt mà các bác sĩ thường áp dụng chính là phương pháp laser quang đông. Phương pháp này sử dụng các tia laser để bắn vào các mạch máu tăng sinh nhằm chặn đứng và cắt đứt sự phát triển của các mạch máu bất thường tại võng mạc.

Hiện nay đã có một phương pháp mới đang được bắt đầu áp dụng điều trị cho những trường hợp bệnh võng mạc mắt không cần phẫu thuật chính là sử dụng thuốc tiêm vào tiền phòng mắt. Tuy nhiên, phương pháp tiêm thuốc hiện vẫn chưa được áp dụng rộng rãi.

5. Phòng ngừa bệnh võng mạc ở trẻ sơ sinh thế nào ?

Bác sĩ Phượng cho rằng, đối với những trẻ được sinh ra thiếu tháng, cân nặng bé dưới 2,5kg thì cha mẹ cần lưu ý, sau khi bé được sinh ra được 3 tuần hay 4 tuần tuổi thì nên chủ động đưa bé đến tại bệnh viện có chuyên khoa về mắt để được thăm khám chính xác.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa bệnh võng mạc ở trẻ sinh non thai phụ cần chú ý chăm sóc bản thân để tránh sinh non. Thăm khám thai sản định kỳ để giúp ngăn chặn sinh non.

Bảng tiêu chuẩn cân nặng thai nhi mới nhất 2018, mẹ bầu nào cũng cần phải biết : Ở mỗi tuần thai nhi sẽ có những mức cân nặng khác nhau, mẹ bầu cần biết những mốc chuẩn nhất định để xác định sức khỏe và sự phát triển của bé.

6. Một số lưu ý cần nhớ khi tiến hành khám võng mạc cho trẻ

6.1 Trẻ bị chẩn đoán bệnh võng mạc giai đoạn nhẹ không nên lơ là

Đối với những trường hợp trẻ được khám lần đầu tiên và chẩn đoán đang bị bệnh võng mạc ở giai đoạn nhẹ (giai đoạn 1, 2) thì đa phần đều sẽ được bác sĩ hẹn lịch tái khám lần tiếp theo. Việc tiến hành tái khám lần tiếp theo sẽ giúp bác sĩ đánh giá lại bệnh võng mạc ở trẻ sơ sinh đã dừng lại chưa hay vẫn con tiếp tục phát triển.

Do đó, việc thực hiện theo đúng lịch hẹn tái khám của bác sĩ là vô cùng cần thiết mà cha mẹ tuyệt đối không được bỏ qua. Bởi bác sĩ có thể dựa vào tình hình sức khỏe hiện tại của bé để đánh giá lại tổng quan bệnh trạng.

Nếu sau khi tái khám bác sĩ chỉ định tình trạng mắt của bé ổn định, không có tiến triển gì thêm thì cha mẹ cũng có thể an tâm hơn. Khi bé lớn bé có thể sẽ mắc phải một số khuyết điểm như bị cận thị, bị lé… Tuy nhiên, cha mẹ có thể an tâm vì những trường hợp này bác sĩ mắt sẽ điều chỉnh cho bé khi bé được 1 tuổi, 2 tuổi.

Đối với những bé bị bệnh võng mạc mắt không đồng đều, tức là một bên nặng một bên nhẹ thì các bác sĩ có thể chỉ cần tiến hành phẫu thuật mắt cho trẻ ở bên phía mắt nặng và bên nhẹ có thể sử dụng các thiết bị chuyên dụng về mắt mà không cần thiết phải thực hiện phẫu thuật.

Riêng với những trường hợp bé bị bệnh võng mạc mắt cả 2 bên thì cha mẹ cần phải hết sức lưu ý đến mức độ bệnh để xem bé đã giai đoạn cần phải phẫu thuật chưa hay vẫn có thể áp dụng điều trị bằng nội khoa.

benh-vong-mac-o-tre-sinh-non-co-the-khien-be-bi-mu-vinh-vien-2-VOH

Khi được chẩn đoán bé bị bệnh võng mạc cha mẹ cần thăm khám theo đúng chỉ định bác sĩ (Nguồn: Internet)

6.2 Tại sao bé phải ngưng bú khoảng 1 tiếng trước khi khám mắt ?

Mắt trẻ sơ sinh thường rất nhỏ và nếu để bình thường bác sĩ sẽ rất khó để nhìn rõ võng mạc và các mạch máu bên trong . Do đó, đòi hỏi đồng tử phải giãn to trong quá trình khám mắt.

Để đồng tử giãn to thì mắt bé cần phải được nhỏ một loại thuốc nhỏ mắt chuyên chuyên dụng trước khoảng 30 phút. Đó cũng là lý do vì sau khi đi khám mắt cho trẻ các mẹ cần phải đến sớm từ 30 – 40 phút để bé được nhỏ thuốc nhỏ mắt trước khi vào khám.

Bên cạnh đó, trước khi thực hiện khám mắt mẹ cũng không nên cho bé bú vì bé bú no có thể khiến bé bị ọc sữa, gây nguy hiểm cho đường hô cấp của trẻ. Chính vì thế việc không cho bé bú khoảng 1 tiếng trước sẽ giúp đảm bảo an toàn cho bé không bị ói và hít sặc sữa trong quá trình khám mắt.

Bên cạnh đó, khi khám mắt cho trẻ cha mẹ cần thiết phải mang theo tất cả các loại giấy tờ liên quan để bác sĩ có thể đánh giá một cách chính xác nhất về tiền sử sản khoa, tuần tuổi thai của trẻ cũng như những bệnh lý đi kèm (nếu có), từ đó giúp xem xét những hình thức khám mắt an toàn cho bé.

Trên đây là những chia sẻ của Tiến sĩ, Bác sĩ Cam Ngọc Phượng – Trưởng khoa sơ sinh, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc về bệnh võng mạc ở trẻ sinh non. Mặc dù là bệnh không quá phổ biến nhưng lại cực kì nguy hiểm nếu mắc phải, do đó cha mẹ tuyệt đối không nên chủ quan khi trẻ mắc phải căn bệnh này.

Để nghe lại toàn bộ cuộc trò chuyện cùng bác sĩ, bạn có thể nghe tại audio bên dưới: