Tình trạng nhau cài răng lược nguy hiểm như thế nào?

(VOH) – Nhau cài răng lược là một tình trạng rất nguy hiểm cho sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi. Nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến tính mạng của hai mẹ con.

1. Nhau cài răng lược là gì?

Nhau cài răng lược (hay còn gọi là rau cài răng lược) là tình trạng một phần hay toàn bộ bánh nhau xâm lấn và không thể tách rời khỏi thành tử cung.

Bình thường sau khi sinh, bánh nhau sẽ tự tách rời khỏi thành tử cung và được sổ ra ngoài nhưng với những thai phụ bị nhau cài răng lược thì bánh nhau không thể bong khỏi tử cung, từ đó dẫn đến các tình trạng băng huyết sau sinh, rối loạn đông máu... rất nguy hiểm.

1.1 Có những thể nhau cài răng lược nào?

Tùy vào mức độ xâm lấn của bánh nhau có thể chia nhau cài răng lược ra làm 3 thể:

  • Thể nhẹ: Bánh nhau xâm lấn và một phần của bám chặt vào một phần tử cung.
  • Thể trung bình: Bánh nhau xâm lấn sâu vào cơ tử cung nhưng chưa qua khỏi lớp thanh mạc tử cung.
  • Thể nặng: Bánh nhau xuyên qua khỏi lớp thanh mạc tử cung và xâm lấn đến những cơ quan lân cận như bàng quang, ruột...

1.2 Những ai có nguy cơ bị nhau cài răng lược

Một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng nhau cài răng lược là:

  • Mang thai khi đã trên 35 tuổi.
  • Nhau tiền đạo: Những phụ nữ từng bị nhau tiền đạo không kèm theo sẹo mổ cũ trên thân tử cung có khả năng tiến triển thành nhau cài răng lược.
  • Mẹ có tiền căn sẹo mổ trên tử cung (mổ lấy thai, mổ u xơ tử cung...) rất dễ dẫn đến nhau cài răng lược ở lần mang thai sau.
  • Tiền căn hút nạo buồng tử cung.
  • Ngoài ra, phụ nữ sinh con nhiều lần có thể làm tăng khả năng mắc phải nhau cài răng lược.

2. Nguyên nhân và triệu chứng dẫn đến nhau cài răng lược

2.1 Nguyên nhân

Hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng tình trạng này có liên quan đến sự bất thường trong niêm mạc tử cung và nồng độ alpha - fetoprotein cao, đây là một loại protein được sản xuất bởi thai nhi.

Những vết sẹo trên tử cung sau sinh mổ hoặc phẫu thuật tử cung cũng có thể tạo điều kiện cho thai phát triển quá sâu vào thành tử cung, từ đó làm gia tăng nguy cơ bị nhau cài răng lược.

tinh-trang-nhau-cai-rang-luoc-nguy-hiem-nhu-the-nao-voh

Vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhau cài răng lược (Nguồn: Internet)

2.2 Triệu chứng

Tình trạng nhau cài răng lược thường không gây ra dấu hiệu hoặc triệu chứng nào trong thai kỳ. Đôi khi, có xuất hiện tình trạng chảy máu âm đạo trong tam cá nguyệt thứ ba, nhưng đó không phải là dấu hiệu để thai phụ nhận biết chính xác.

Hiện nay, cách phát hiện nhau cài răng lược chính xác nhất chính là thông qua hình thức siêu âm định kỳ. Thông thường, khi siêu âm thai trong 3 tháng cuối của thai kỳ, các bác sĩ sẽ chủ động kiểm tra kỹ hơn tình trạng nhau thai, xem bánh nhau có bám quá sâu không để đưa ra phương án xử lý kịp thời.

3. Tình trạng nhau cài răng lược nguy hiểm thế nào?

Nhau cài răng lược là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây mất máu cấp nặng cho sản phụ trong quá trình trước, trong và sau sinh. Theo thống kê có khoảng 90% sản phụ bị nhau cài răng lược phải truyền máu, 7% trường hợp thai phụ tử vong do xuất huyết cấp, nặng.

Những sản phụ bị nhau cài răng lược có thể sẽ phải chấm dứt thai kỳ sớm nếu có biến chứng xảy ra. Những hệ quả của một em bé sinh non tháng là suy hô hấp, bệnh vàng da, nhiễm trùng, khó nuôi, thậm chí là tử vong sau sinh...

Ngoài ra, tình trạng nhau cài răng lược còn gây ra một số ảnh hưởng khác lên sức khỏe sản phụ như: gây suy thận, xuất hiện các vấn đề đông máu, suy thai hoặc hội chứng suy hô hấp ở người lớn...

Nếu thực hiện sinh mổ và cắt tử cung để loại bỏ nhau thai ra khỏi cơ thể thì người mẹ cũng có thể gặp phải các biến chứng như:

  • Phản ứng với việc gây tê.
  • Nhiễm trùng vết mổ.
  • Tăng khả năng xuất huyết.
  • Tổn thương đến các cơ quan nội tạng khác chẳng hạn như thận nếu nhau thai đã bám vào khu vực này.

4. Biện pháp giúp xử lý tình trạng nhau cài răng lược

Mỗi trường hợp của nhau cài răng lược đều khác nhau. Nếu xác định mẹ bầu mắc phải tình trạng này, bác sĩ sẽ có kế hoạch theo dõi thai kỳ và kế hoạch đưa thai ra ở một thời điểm phù hợp.

tinh-trang-nhau-cai-rang-luoc-nguy-hiem-nhu-the-nao-1-voh

Xác định được mức độ nhau cài răng lược sẽ giúp bác sĩ có được những hướng xử lý phù hợp (Nguồn: Internet)

Nếu tình trạng nhau cài răng lược ở mức độ nghiêm trọng nhất, biện pháp phẫu thuật sẽ được áp dụng. Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành mổ lấy con. Sau đó sẽ thực hiện phẫu thuật cắt tử cung nhằm mục đích ngăn ngừa hiện tượng mất máu nghiêm trọng có thể xảy ra nếu một phần hoặc toàn bộ nhau thai bị dính vào tử cung sau khi em bé chào đời.

Trong trường hợp thai phụ mong muốn được mang thai một lần nữa thì tùy vào tình trạng cụ thể mà bác sĩ sẽ có những hướng giải quyết khác nhau. Bác sĩ phẫu thuật có thể sẽ để lại một phần nhau thai trong tử cung nhằm gìn giữ khả năng sinh sản. Tuy nhiên, khả năng gặp biến chứng khi mang thai là rất cao và khả năng thụ thai thành công cũng sẽ rất thấp.

5. Có thể ngăn ngừa tình trạng nhau cài răng lược không?

Mặc dù khoa học hiện nay rất phát triển nhưng các bác sĩ vẫn chưa tìm ra được biện pháp để ngăn ngừa tình trạng nhau cài răng lược xảy ra trong thai kỳ. Vì thế, các chị  em phụ nữ nên chủ động phòng ngừa bằng cách:

  • Không nạo, hút thai.
  • Hạn chế sinh con sau tuổi 35.
  • Hạn chế sinh mổ: Chỉ nên sinh mổ khi có chỉ định từ bác sĩ.
  • Không nên sinh quá nhiều con, bởi sau mỗi lần sinh con tử cũng sẽ yếu dần và tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Nên thăm khám thai định kỳ, siêu âm để có thể phát hiện sớm tình trạng nhau cài răng lược (nếu có).