Vì sao có hiện tượng mang thai giả và làm thế nào để nhận biết?

(VOH) – Hiện tượng mang thai giả có thể khiến phụ nữ nhầm lẫn với các dấu hiệu mang thai thật sự. Vì thế, hãy nắm rõ các đặc điểm của hiện tượng này để tránh khỏi những thất vọng không đáng có.

Một số phụ nữ có thể chậm và tắt kinh, ngực căng rồi tiết sữa, thậm chí có cả hiện tượng buồn nôn ốm nghén nhưng khi siêu âm lại hoàn toàn không có ‘tin vui’. Những điều này vô tình lại gây tâm lý tiêu cực cho chị em phụ nữ, đặc biệt là với những ai đang khao khát có con.

Thế nên, việc nắm rõ những đặc điểm của hiện tượng mang thai giả sẽ giúp chị em phụ nữ tránh khỏi thất vọng không đáng có.

1. Hiện tượng mang thai giả là gì?

Mang thai giả (có tên tiếng anh là pseudocyesis) là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng bạn cảm thấy như mình đang mang thai như thật ra là không phải. Hiện tượng mang thai giải có thể khiến bạn gặp phải các triệu chứng, biểu hiện mang thai thường gặp.

2. Nguyên nhân mang thai giả thường gặp

Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra xung quanh hiện tượng kỳ lạ này. Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện tại chỉ ra 3 giả thiết có căn cứ nhất để lý giải nguyên nhân mang thai giả. Ba nguyên nhân đó là:

2.1 Do tâm lý lo sợ hoặc mong muốn mang thai

Giả thiết đầu tiên mà các nhà khoa học chỉ ra đó là có thể nỗi sợ hoặc khao khát mang thai tột cùng là nhân tố tạo nên ảo tưởng ở một số chị em, họ cho rằng mình có các dấu hiệu mang thai nhưng thực chất đó chỉ là các triệu chứng mang thai giả. Chính yếu tố tâm lý – thần kinh này đã kích thích hệ nội tiết ở phụ nữ và gây ra các biểu hiện rất giống việc mang thai.

2.2 Do áp lực làm vợ

Giả thuyết thứ 2 được đặt ra có liên quan đến áp lực làm tròn bổn phận của người phụ nữ sau khi trải qua một biến cố thai sản, chẳng hạn như sảy thai, vô sinh hay sức ép từ gia đình sau khi đã kết hôn. Mong muốn làm tròn trách nhiệm này khiến người phụ nữ diễn giải sai, hiểu lầm những thay đổi trong cơ thể là dấu hiệu của việc mang thai.

vi-sao-co-hien-tuong-mang-thai-gia-va-lam-the-nao-de-nhan-biet-voh

Áp lực làm vợ có thể khiến phụ nữ nhầm tưởng những thay đổi trong cơ thể là dấu hiệu mang thai (Nguồn: Internet)

2.3 Do có vấn đề hệ thần kinh

Giả thuyết cuối cùng là có thể do sự thay đổi các chất hóa học trong hệ thần kinh có liên quan đến rối loạn trầm cảm ở người bệnh, khiến người bệnh luôn sinh ra ảo giác rằng mình đang có dấu hiệu của việc mang thai.

Ngoài ra, một số vấn đề sức khỏe khác cũng có thể gây ra các triệu chứng của thai kỳ giả, bao gồm: thai ngoài tử cung, béo phì và ung thư.

3. Nhận biết các triệu chứng mang thai giả

Thực tế, việc nhận biết các dấu hiệu mang thai giả là khá khó khăn nếu như bạn không thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra về thai kỳ. Bởi những dấu hiệu này rất giống với các triệu chứng mang thai thật. Cụ thể, bạn sẽ có thể gặp các dấu hiệu sau đây:

3.1 Bụng phình to

Triệu chứng mang thai giả thường gặp nhất là bụng phình to, khiến cho bạn nhầm tưởng rằng thai nhi đang phát triển. Tuy nhiên, đây thật sự không phải là tình trạng mang thai thật. Trên thực tế, tình trạng bụng phình to như thế này có thể là do: Đầy hơi, tăng cân hoặc tăng mỡ bụng, sự tích tụ các chất thải (phân, nước tiểu).

3.2 Chu kỳ kinh nguyệt bất thường

Chu kỳ kinh nguyệt bất thường là một biểu hiện mang thai giả mà rất nhiều người đã nhầm tưởng. Theo thống kê, có khoảng từ 50 – 90% phụ nữ được chẩn đoán mang thai giả gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt.

3.3 Một số triệu chứng khác

Một số triệu chứng rất giống với mang thai thật mà nếu nhìn bằng mắt thường bên ngoài sẽ rất khó phân biệt, đó là:

  • Ốm nghén, nôn ói, mệt mỏi vào buổi sáng
  • Bị trễ kinh
  • Bầu ngực căng tức, chảy sữa
  • Màu đầu ti thay đổi
  • Tăng cân
  • Đau bụng
  • Tăng cảm giác thèm ăn
  • Tử cung mở rộng

4. Chẩn đoán và điều trị hiện tượng mang thai giả thế nào?

Phần lớn các trường hợp sẽ không thể tự nhận biết hiện tượng mang thai giả bằng cảm quan bên ngoài. Muốn xác định xem một phụ nữ có đang mang thai giả hay không, bác sĩ thường sẽ đánh giá các triệu chứng gặp phải, đồng thường sẽ thực hiện khám vùng chậu và siêu âm.

vi-sao-co-hien-tuong-mang-thai-gia-va-lam-the-nao-de-nhan-biet-1-voh

Nếu mang thai giả kết quả siêu âm sẽ cho thấy không có sự hình thành của thai nhi (Nguồn: Internet)

Nếu mang thai giả, kết quả siêu âm sẽ cho thấy không có sự hình thành của thai nhi và nhịp tim thai. Theo Hiệp hội Thai kỳ Hoa kỳ, siêu âm là xét nghiệm duy nhất có thể giúp bạn xác định chính xác 100% liệu bạn có đang mang thai hay không.

Ngoài ra, xét nghiệm nước tiểu cũng là biện pháp có thể giúp tìm được câu trả lời chính xác nếu bạn đang mang thai giả. Chỉ trừ những trường hợp phụ nữ đang mắc phải các bệnh ung thư hiếm gặp, có khả năng tạo ra các hormone tương tự như hormone thai kỳ.

4.1 Phương pháp điều trị mang thai giả

Mang thai giả không được xem là một tình trạng bệnh lý, vì vậy sẽ không có khuyến nghị chung nào để điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, với những phụ nữ đang gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt thì bác sĩ có thể sẽ kê thuốc để cải thiện vấn đề sức khỏe.

Phần lớn các trường hợp được chẩn đoán mang thai giả đều xuất phát từ yếu tố tâm lý hơn là bệnh lý. Các rối loạn cảm xúc thần kinh này có thể làm thay đổi cơ thể từ bên trong lẫn bên ngoài. Vì thế, người thân và bác sĩ nên nhẹ nhàng và kiên nhẫn giải thích về kết quả cũng như hỗ trợ thêm trong việc điều trị tâm lý hoặc trị liệu để giúp bệnh nhân có thể khôi phục tâm trạng một cách nhanh nhất.

Thật sự, mang thai giả là một hiện tượng hiếm gặp, tuy nhiên bạn vẫn nên hiểu rõ về tình trạng này để tránh phải thất vọng cũng như những nhầm lẫn khác về sức khỏe. Ngoài ra, hãy để ý nhiều hơn về cảm xúc của mình, bởi tâm lý và sức khỏe ổn định thì chuyện mang thai mới diễn ra suôn sẻ.