7 nguyên nhân trẻ bị đau bụng và cách điều trị kịp thời

( VOH ) - Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị đau bụng, mẹ cần chú ý đến những triệu chứng đau bụng của con để có thể tìm ra được nguyên nhân cũng như phương pháp điều trị tốt nhất.

Đau bụng là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, đây cũng là triệu chứng khó xác định bệnh nhất bởi trẻ bị đau bụng có thể do vấn đề tâm lý và cũng có thể do bệnh lý gây ra. Nếu không được phát hiện và chẩn đoán kịp thời, chính xác có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ.

1. Một số nguyên nhân khiến trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị đau bụng

Trẻ em rất hay bị đau bụng, đau bụng ở trẻ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể kể đến một số nguyên nhân khiến trẻ bị đau bụng như:

1.1 Viêm ruột thừa

Đây là một trong những căn bệnh gây ra những cơn đau bụng cấp tính ở trẻ em.

  • Trẻ trên 2 tuổi: Viêm ruột thừa có những dấu hiệu tương tự như người lớn, bao gồm: đau ở hố chậu phải, cơn đau bụng tăng dần, liên tục, trẻ thường bị đau bụng và nôn, sốt nhẹ.
  • Trẻ dưới 2 tuổi: Các triệu chứng viêm ruột thừa ở trẻ dưới 2 tuổi thường khó phát hiện hơn, gồm có: sốt nhẹ, nôn trớ, quấy khóc, người xanh xao, sờ vào vùng bụng trẻ thường khóc thét.

vi-sao-tre-bi-dau-bung-voh

Trẻ trên 2 tuổi bị viêm ruột thừa có dấu hiệu bệnh giống như người lớn (Nguồn: Internet)

Lưu ý: Trẻ bị đau ruột thừa lúc đầu có thể đau ở vùng thượng vị, quanh rốn, sau đó mới khu trú xuống vùng hố chậu phải.

1.2 Bệnh lồng ruột

Căn bệnh thường gặp ở những trẻ bụ bẫm, bé trai gặp nhiều hơn bé gái, trong độ tuổi từ 3 tháng đến 2 tuổi, đặc biệt nhiều hơn ở những trẻ từ 6 – 9 tháng. Triệu chứng của bệnh lồng ruột là trẻ bị đau bụng nôn, đi ngoài ra máu.

1.3 Nhiễm giun

Đau bụng ở trẻ em cũng có thể do giun chui vào ống mật (GCOM), đặc biệt là sau khi tẩy giun, hoặc tẩy giun với liều lượng không đủ. Những cơn đau bụng có thể khiến trẻ lăn lộn, khóc thét, vã mồ hôi.

Tình trạng bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây áp-xe gan, sỏi đường dẫn mật hoặc tắc đường mật.

1.4 Thoát vị bị nghẽn

Thoát vị nghẽn ở trẻ em có thể gây ra những cơn đau bụng hoặc nôn, bí trung tiện và đại tiện. Nếu không phát hiện kịp thời có thể khiến cho đoạn ruột nghẽn bị hoại tử.

1.5 Bệnh sỏi đường tiết niệu

Trẻ cũng có thể bị sỏi đường tiết niệu gây ra hiện tượng đau bụng rất dữ dội, tuy nhiên, tỷ lệ trẻ bị sỏi đường tiết niệu không nhiều. Ngoài ra, trẻ em cũng có thể bị đau bụng do viêm đường tiết niệu làm xuất hiện những cơn đau bụng dưới. Bé gái bị viêm đường tiết niệu nhiều hơn bé trai.

1.6 Do ngộ độc thức ăn

vi-sao-tre-bi-dau-bung-1-voh

Trẻ bị đau bụng có thể do ngộ độc thức ăn (Nguồn: Internet)

Ngộ độc thức ăn có thể khiến trẻ bị đau bụng buồn nôn, sốt, đi ngoài phân lỏng, đôi khi phân có máu. Tình trạng ngộ độc có thể do vi sinh vật hoặc do hóa chất gây ra.

1.7 Trẻ bị tổn thương tâm lý

Nếu trẻ thỉnh thoảng bị đau bụng nhưng vẫn có thể chịu được và hiện tượng này đã xảy ra trong một thời gian dài thì rất có thể chỉ là vấn đề tâm lý. Trẻ bị đau bụng tâm lý thường có các đặc điểm sau:

  • Trẻ thường kêu đau quặn bụng, vùng rốn vào buổi sáng hoặc bữa cơm trưa nhưng đến chiều thì hết.
  • Trẻ có thể đau từng đợt nhiều ngày rồi lại khỏi.
  • Tuy trẻ kêu bị đau bụng nhưng vẫn chơi tốt.
  • Khi đau bụng, trẻ có thể kém ăn hoặc kém ngủ.
  • Trẻ hay làm nũng, nhút nhát, muốn gần cha mẹ và ngại đến trường...

2. Làm gì khi trẻ bị đau bụng?

Cha mẹ nếu thấy trẻ kêu đau bụng (đối với trẻ lớn) hoặc thấy trẻ bị chướng hơi, đầy bụng, nôn trớ, lười ăn, hay khóc thét, đi ngoài ra máu... thì cần đưa trẻ đến các cơ ở y tế để được thăm khám chính xác. Bởi để có thể tìm ra nguyên nhân trẻ đau bụng do đâu, bác sĩ thường sẽ phải tiến hành khám sức khỏe toàn diện, làm một số xét nghiệm liên quan, chụp X-quang ruột, siêu âm ổ bụng...cho trẻ.

Để giảm bớt đau bụng ở trẻ, cha mẹ có thể dùng khăn ấm hoặc bình nước ấm chườm lên vùng bụng, massage nhẹ nhàng vùng bụng cho trẻ. Tuyệt đối không cho trẻ dùng bất cứ loại thuốc gì dù là thuốc tây hay thuốc nam khi chưa được thăm khám hoặc chưa có ý kiến bác sĩ.

Việc cho trẻ dùng thuốc trước khi thăm khám sẽ làm lu mờ các triệu chứng đau bụng của trẻ, đặc biệt với những trường hợp trẻ đau bụng do viêm ruột thừa, bệnh lồng ruột, thoát vị nghẽn...

Khi được thăm khám và có chỉ định điều trị nên tuân thủ tuyệt đối. Ngoài ra, cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để có thể sớm phát hiện bệnh lý ở trẻ.