Viêm đa khớp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm đa khớp là căn bệnh về xương khớp phổ biến của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn khá mơ hồ về căn bệnh này. Hãy tìm hiểu chi tiết về bệnh viêm đa khớp trong bài viết dưới đây.

1. Viêm đa khớp là gì?

Viêm đa khớp không phải là một bệnh cụ thể mà là một thuật ngữ dùng để mô tả các bệnh viêm xảy ra trên nhiều khớp.

Viêm đa khớp xuất hiện khi người bệnh có nhiều hơn 5 loại khớp bị viêm cùng một lúc. Bệnh thường gây đau, cứng, sưng và khiến khớp khó cử động.

Viêm đa khớp có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi và giới tính nào.

viem-da-khop-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-voh-1

Viêm đa khớp là tình trạng viêm ở nhiều khớp cùng một lúc (Nguồn: Internet)

2. Vì sao bị viêm đa khớp?

Các nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân viêm đa khớp thường do:

  • Viêm khớp đối xứng như các loại viêm tự phát, viêm khớp Juvenile, viêm khớp dạng thấp kinh niên, phản ứng thuốc hay bệnh Lupus.
  • Viêm khớp không đối xứng như bệnh gút (hay còn gọi là thống phong), viêm khớp do vảy nến, viêm khớp phản ứng (viêm khớp xảy ra do phản ứng của cơ thể với các loại vi khuẩn).
  • Nhiễm trùng do virus như Parvovirus, virus viêm gan, quai bị, virus Ross River (bệnh do muỗi gây ra), bệnh sởi và HIV.
  • Bệnh chuyển hóa như suy gan và suy thận (bệnh xuất hiện trong cơ thể), thống phong giả (do hình thành tinh thể quanh khớp), bệnh gút.
  • Trường hợp thoái hóa cấu trúc như thoái hóa khớp (do sụn xương hao mòn).
  • Nhiễm trùng như bệnh Lyme, bệnh lao, bệnh Well và bệnh Whipple.
  • Bệnh viêm mạch máu: Viêm mạch (mạch máu bị tấn công do hệ miễn dịch) hoặc viêm khớp tế bào (làm cản trở lưu thông máu trong động mạch).
  • Do bệnh nội tiết.

3. Triệu chứng bệnh viêm đa khớp

Do có nhiều nguyên nhân khác nhau nên triệu chứng viêm đa khớp cũng khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Chẳng hạn như một số bệnh nhân có thể chỉ bị đau khớp, trong khi một số khác thì cảm thấy khớp sưng nóng.

Nhiều loại virus cũng góp phần làm chậm sự xuất hiện của các triệu chứng. Thời gian ủ bệnh có thể là vài ngày hoặc thậm chí là vài tháng. Bạn có thể nhận biết bệnh viêm đa khớp dựa vào các triệu chứng phổ biến như:

  • Đau khớp.
  • Có năm khớp trở lên bị ảnh hưởng cùng một lúc.
  • Cảm thấy khớp ấm nóng.
  • Sưng tấy khớp.
  • Sốt.
  • Sụt cân bất thường.

Để chuẩn đoán bệnh viêm đa khớp, ngoài việc dựa vào số lượng khớp bị ảnh hưởng thì người bệnh còn phải quan tâm đến hiện tượng viêm, đau khớp đối xứng hay không đối xứng, kể cả những triệu chứng không liên quan đến xương khớp.

4. Các loại viêm đa khớp thường gặp

4.1 Viêm đa khớp do vảy nến

Bệnh ảnh hưởng đến các ngón tay và cột sống lưng. Nó là một trong những dạng phổ biến nhất của viêm đa khớp, nhưng bệnh chỉ ảnh hưởng đến người mắc bệnh vảy nến.

4.2 Viêm khớp kinh niên

Viêm khớp kinh niên ảnh hưởng đến các khớp trong cơ thể. Ngoài các triệu chứng thường gặp như đau, sưng và cứng khớp thì bệnh còn gây mệt mỏi, giảm thị lực, sụt cân, viêm phổi.

4.3 Alphavirus

Alphavirus xuất hiện khi người bệnh bị muỗi cắn gây viêm não, sốt và nhức đầu, viêm đa khớp. Viêm đa khớp do alphavirus gây ra thường được biết đến là hội chứng viêm đa khớp alphavirus.

5. Điều trị viêm đa khớp bằng cách nào?

Phương pháp chữa viêm đa khớp rất đa dạng, chủ yếu dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Các phương pháp điều trị viêm đa khớp bao gồm:

viem-da-khop-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-voh-2

Phát hiện và chẩn đoán viêm đa khớp sớm để dễ dàng điều trị (Nguồn: Internet)

5.1 Sử dụng thuốc

Người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau hoặc thực phẩm bổ sung làm chắc sụn. Các loại thuốc sử dụng điều trị bệnh viêm đa khớp cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Bạn có thể sử dụng những loại thuốc sau để kiểm soát và giảm viêm, bao gồm:

  • Các loại thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (còn gọi là NSAIDs): Thuốc hoạt động bằng cách chặn enzyme và protein gây viêm.
  • Corticosteroid: Loại thuốc này có tác dụng giảm viêm bằng cách chặn phản ứng của hệ miễn dịch. Nếu chứng viêm đa khớp xuất phát từ bệnh tự miễn thì corticosteroid sẽ rất hữu ích.
  • Hydroxychloroquine: Ngăn chặn tình trạng viêm với các tác nhân miễn dịch nhẹ.
  • DMARD: Thuốc dùng để chữa viêm khớp dạng thấp.
  • Thuốc ức chế TNF (yếu tố hoại tử khối u): Thuốc nhằm để trị đau do viêm khớp dạng thấp hay bệnh Still.

5.2 Thay đổi lối sống

Người bệnh cần thay đổi lối sống, duy trì cân nặng hợp lý bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh để gia tăng độ linh hoạt của khớp và giảm thiểu các triệu chứng của bệnh.

Nhìn chung, viêm đa khớp cần được chẩn đoán sớm và xác định chính xác nguyên nhân để điều trị đạt hiệu quả. Do đó, khi phát hiện bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến viêm đa khớp thì bạn hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để thăm khám và chữa trị kịp thời.