Ả Rập Saudi và Qatar đồng ý nối lại quan hệ ngoại giao

(VOH) - Ả Rập Saudi và Qatar ngày 5/1 chính thức nối lại quan hệ ngoại giao. Trước đó, Ả Rập Saudi và một số nước Ả Rập khác đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar trong thời gian hơn 3 năm.

Việc Ả Rập Saudi và Qatar nối lại quan hệ ngoại giao được xem là tiến triển mới nhất trong tiến trình hòa bình Trung Đông do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian.

Một quan chức cấp cao của Mỹ ngày 5/1 cho biết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh kéo dài 3 năm giữa Qatar với Ả Rập Saudi và 3 nước Ả Rập khác đã đạt được những tiến triển mang tính đột phá.

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 41 của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) diễn ra ở thành phố Al-Ula của Ả Rập Saudi vào ngày 5/1, các bên đã ký một thỏa thuận nhằm chấm dứt những bế tắc giữa đôi bên trong 3 năm qua.

Theo đài CNBC đưa tin, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani đã đến Ả Rập Saudi vào ngày 5/1 để tham gia Hội nghị thượng đỉnh GCC diễn ra tại thành phố cổ Al-Ula. Đây là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo này tới Ả Rập Saudi kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng vùng Vịnh vào năm 2017.

Phát biểu trên đài truyền hình Kuwait vào trước thềm hội nghị thượng đỉnh GCC, Ngoại trưởng Kuwait Ahmad Nasser al-Sabah cho biết Ả Rập Saudi quyết định mở lại không phận và biên giới trên bộ và trên biển với Qatar kể từ ngày 4/1 như một phần của thỏa thuận nêu trên.

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (giữa, bên phải) chào đón Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani (giữa, bên trái) đến dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 41 của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) vào ngày 5/1/2021. (Ảnh: AFP via Getty Images)

Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã áp đặt các biện pháp cấm vận về ngoại giao, thương mại và du lịch đối với Qatar từ giữa năm 2017 với cáo buộc nước này ủng hộ các nhóm Hồi giáo trong khu vực và có quan hệ “nồng ấm” với Iran nhưng Qatar đã phủ nhận các cáo buộc này.

Hãng thông tấn nhà nước của Ả Rập Saudi SPA dẫn lời Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman nói rằng cuộc gặp thượng đỉnh hàng năm giữa các nhà lãnh đạo ở vùng Vịnh sẽ đoàn kết các nước lại với nhau để đối phó với những thách thức mà khu vực này đang đối mặt.

Hãng tin Reuters đưa tin, đây là những tiến triển mới trong tiến trình hòa bình Trung Đông mà Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm. Những tiến triển mà chính quyền Tổng thống Trump đã đạt được trong tiến trình hòa bình Trung Đông bao gồm việc hình thành một mặt trận thống nhất giữa Israel và các nước Ả Rập để chống lại các mối đe dọa từ Iran.

Các quốc gia đạt được thỏa thuận hòa bình trong tiến trình này đều là các đồng minh của Mỹ. Trong đó, Qatar là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong khu vực; Bahrain là nơi đóng quân của Hạm đội 5 thuộc Hải quân Mỹ; Ả Rập Saudi và UAE cũng có các căn cứ quân sự của Mỹ.

Một quan chức trong chính phủ Mỹ cho biết, Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Jared Kushner là người được Tổng thống Trump chỉ định để tham gia giải quyết những bế tắc trong quan hệ giữa các nước Ả Rập.

Để giúp đạt được thỏa thuận trên, ông Kushner đã phải bận rộn cho đến rạng sáng ngày 5/1, là ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh GCC.

Quan chức này cho biết, ông Kushner cùng Đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Trump Avi Berkowitz và Đặc phái viên về Iran Brian Hook đã đến Al-Ula để tham dự lễ ký kết thỏa thuận.

Đài truyền hình Al-Arabiya của Ả Rập Saudi ngày 5/1 cho hay, Ai Cập đã đồng ý mở cửa lại không phận với Qatar.