Australia là nước tiếp theo đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong

(VOH) - Australia là nước tiếp theo sau Anh và Canada đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, nhằm phản ứng lại việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia mới lên đặc khu này.

Thông tin trên được Thủ tướng Australia Scott Morrison đưa ra vào hôm nay 9/7, đồng thời ông cũng có động thái mở đường cho người Hong Kong trở thành thường trú nhân tại quốc gia của mình. Ông cũng khuyến khích các doanh nghiệp Australia đang làm ăn ở Trung Quốc hãy di dời đến nơi khác.

Theo Thủ tướng Scott Morrison, luật an ninh mới mà Trung Quốc áp dụng với Hong Kong đã làm thay đổi “Luật cơ bản” và nền tự chủ hiện tại ở thành phố này. Do đó, sự kiện này cũng sẽ dẫn tới sự thay đổi cơ bản liên quan tới hiệp ước dẫn độ của Australia đối với Hong Kong.

Ông Morrison cho biết Australia đã chính thức thông báo với Hong Kong và Trung Quốc về việc dừng hiệp ước dẫn độ với đặc khu, vốn được ký từ ngày 15/11/1993.

Thủ tướng Morrison cũng tuyên bố sẽ gia hạn thị thực thêm 5 năm cho khoảng 10.000 người Hong Kong đang sống tại nước này, từ đó tạo điều kiện cấp thường trú nhân cho người Hong Kong hiện ở Australia bằng thị thực sinh viên hoặc lao động tạm trú.

Đáp lại, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích hành động này của Australia là sự “can thiệp thô bạo” vào nội bộ Trung Quốc. Thông cáo chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi phía Australia hãy ngay lập tức dừng hành động can thiệp này lại, nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả trong tương lai đối với Australia.”

>>> Các ông lớn công nghệ với thị trường Hong Kong hậu luật an ninh: người rút lui, kẻ thu hẹp hoạt động

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã thông báo nước này sẽ đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong. Ảnh: BBC

Động thái của Australia sẽ được cho có thể sẽ khiến căng thẳng Australia - Trung Quốc tiếp tục leo thang. Quan hệ giữa 2 nước xấu đi trong vài tháng qua bắt đầu từ việc Australia kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế độc lập tìm hiểu nguồn gốc Covid-19, động thái mà Trung Quốc phản đối.

Sau đó, Trung Quốc đã đánh thuế hơn 80% lúa mạch Australia, cấm nhập thịt bò từ các công ty của quốc gia châu Đại Dương. Tháng trước, Trung Quốc khuyến cáo công dân và sinh viên không tới Australia, viện dẫn mối đe dọa có thể bị tấn công phân biệt chủng tộc.

Chính quyền Canberra bác bỏ cáo buộc trên, và “tố” Bắc Kinh “không có thiện chí”, và dùng các biện pháp “cưỡng ép kinh tế” để đáp trả việc Canberra kêu gọi mở cuộc điều tra về Covid-19.

Trước Australia, hai quốc gia khác cũng đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong là Anh và Canada kể từ khi luật an ninh mới quốc gia được áp dụng lên Hong Kong vào tuần trước.

Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne tuyên bố chính phủ nước này cũng sẽ không cho phép xuất khẩu các mặt hàng quân sự nhạy cảm sang Hong Kong.

Đối với Anh, ngoại trưởng Dominic Raab nói rằng luật an ninh mới ở Hong Kong "là sự vi phạm nghiêm trọng và rõ ràng" đối với Tuyên bố chung Trung - Anh, vốn là nền tảng của việc Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997. Trong tuyên bố có nêu rõ rằng hệ thống quản lý hiện tại ở Hong Kong sẽ được duy trì trong vòng 50 năm.

Mới đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên tiếng khẳng định Anh sẽ mở cửa và tạo điều kiện cho khoảng 3 triệu người Hong Kong sở hữu Hộ chiếu Anh ở nước ngoài (BNO) được nhập quốc tịch và định cư tại Anh. Theo ông, luật an ninh mới mà Trung Quốc áp dụng lên Hong Kong đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự chủ tại đặc khu này và đây là hành động không tuân thủ theo luật pháp quốc tế.

Làn sóng phản ứng với luật an ninh mới ở Hong Kong còn bao gồm cả đảo Đài Loan. Nơi này gần đây cũng đã khai trương văn phòng hỗ trợ những người Hong Kong rời khỏi đặc khu và muốn chuyển đến sống ở Đài Loan.

Ngày 1/7, Trung Quốc đã chính thức áp dụng luật an ninh quốc gia mới lên Hong Kong. Bộ luật này đã tăng cường quyền lực của chính quyền đại lục và địa phương trong việc điều tra, khởi tố và trừng phạt những người có tư tưởng ly khai. Theo luật mới, những hành động ly khai, phá hoại, khủng bố, liên kết với các thế lực nước ngoài sẽ bị trừng phạt. Những người phạm phải những tội trên có thể đối mặt với án tù chung thân.

Động thái của Trung Quốc đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều và sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Một số quốc gia như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia và Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ quan ngại về việc áp dụng luật an ninh mới lên Hong Kong, cho rằng bộ luật này “gây xói mòn nghiêm trọng quyền tự trị cao của Hong Kong, và gây hiệu ứng có hại đối với sự độc lập về bộ máy tư pháp và thượng tôn pháp luật” - trích tuyên bố chung của Hội đồng châu Âu (EC) đưa ra vào ngày 1/7.