Brexit tiếp tục bế tắc, nguy cơ không đạt thỏa thuận đến gần

(VOH) - Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 16/10 cho biết hiện là lúc nên chuẩn bị cho một Brexit không đạt được thỏa thuận nào vì châu Âu đã từ chối thảo luận một cách nghiêm túc.

Trước đó, Thủ tướng Anh đã chọn ngày 15/10 là hạn chót cho một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU, nếu muốn nó được thực thi vào cuối năm 2020. Tuy nhiên hiện tại thời hạn đã qua và đàm phán Brexit vẫn tiếp tục bế tắc. 

Nếu Brexit không thỏa thuận thực sự diễn ra sau 5 năm khủng hoảng kéo dài về việc nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), thì đây sẽ là một sự xáo trộn và ảnh hưởng cực lớn đến hoạt động thương mại và các chuỗi cung ứng không chỉ ở Anh, mà còn kéo dài lan khắp EU và một số quốc gia khác. Đó là chưa kể đến tình hình đặc biệt trong năm nay, khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã kéo theo khủng hoảng kinh tế hàng loạt tại các nước trên thế giới.

Tại hội nghị thượng đỉnh họp bàn về Brexit diễn ra vào ngày 15/10, EU đã ra tối hậu thư cho nước Anh, trong đó nêu rõ Khối này lo ngại về sự trì trệ trong tiến trình đàm phán với Anh, đồng thời kêu gọi London hãy tuân thủ các quan điểm chính đã thảo luận trước đó, nếu không muốn xảy ra sự “tuyệt giao” không mong muốn vào ngày 1/1 năm sau.

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu: “Tôi phải kết luận rằng chúng ta cần phải sẵn sàng cho ngày 1/1 với các thỏa thuận đơn giản dựa trên hoạt động thương mại tự do toàn cầu, như Australia trước đây.”

“Trừ khi có sự thay đổi rõ rệt về phương hướng tiếp cận, nếu không chúng ta sẽ thực thi Brexit theo “kiểu Australia”. Chúng ta hoàn toàn tự tin về điều đó”, ông nói thêm.

“Ngày càng rõ ràng hơn rằng EU không muốn “chia tay” chúng ta theo thỏa thuận như với Canada mà chúng ta mong muốn ngay từ đầu. Cũng khó hiểu khi sau 45 năm thành viên nhưng họ (EU - pv) vẫn không đồng ý với yêu cầu của chúng ta”, ông Johnson bày tỏ.

Thủ tướng Anh: Đã đến lúc chuẩn bị cho một Brexit không thỏa thuận
Thủ tướng Anh Boris Johnson tại một cuộc họp tại London, Anh ngày 12/10/2020. Ảnh: Reuters

Một mối quan hệ theo "kiểu Australia" cũng đồng nghĩa với việc không có một thỏa thuận thương mại toàn diện với Liên minh châu Âu. Hầu hết các giao dịch thương mại giữa Liên minh châu Âu và Australia hiện đều tuân theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngoại trừ một số thỏa thuận đặc biệt đang có đối với một số hàng hóa nhất định.

Bản thân Australia cũng không hài lòng về mối quan hệ hiện nay với Liên minh châu Âu và đang thúc đẩy khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn. Tuy nhiên điều này chỉ có thể có được nếu nước này đạt được một thỏa thuận thương mại chính thức với khối 27 nước thành viên giàu có.