Các cuộc biểu tình phản đối Pháp tiếp diễn tại nhiều nước

(VOH) – Hàng trăm người biểu tình tại Pakistan hôm 1/11 đã đốt hình nộm nhà lãnh đạo Pháp và hô to khẩu hiệu phản đối Pháp, khi Tổng thống Macron cố gắng gửi thông điệp thấu hiểu đến người Hồi giáo.

Nhiều cuộc biểu tình nhỏ nổ ra tại Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ nối tiếp các cuộc biểu tình phản đối Pháp trên khắp cộng đồng Hồi giáo tuần trước, mà hầu hết do các nhóm Hồi giáo lãnh đạo.

Các cuộc biểu tình mới đến sau cuộc phỏng vấn Tổng thống Macron vào tối thứ Bảy trong đó ông nói ông hiểu cảm giác sốc của người Hồi giáo trước những bức hình biếm họa vẽ nhà tiên tri Muhammad. Macron đã nói chuyện với đài truyền hình Ả Rập Al-Jazeera có trụ sở tại Qatar, nơi ông cũng bảo vệ quyền tự do ngôn luận và các giá trị riêng của Pháp.

Văn phòng của ông Macron cho biết mục đích của cuộc phỏng vấn là làm rõ sự hiểu lầm xung quanh quan điểm của Pháp và các từ ngữ mà tổng thống sử dụng, mà họ cho là đã được đưa ra khỏi ngữ cảnh.

"Tôi chưa bao giờ nói điều đó", Macron nói với người phỏng vấn của đài Al-Jazeera, giải thích rằng một số bản đã dịch sai lời nói của ông trên các phương tiện truyền thông cho thấy ông ủng hộ các phim hoạt hình chế nhạo Nhà tiên tri Muhammad. "Đó là những lời nói dối."

Macron giải thích rằng tất cả các tôn giáo đều tuân theo quyền tự do ngôn luận và cả “những hình vẽ này”.

Tôi hiểu và tôn trọng rằng mọi người có thể bị sốc bởi những bộ phim hoạt hình này,” Macron nói. “Nhưng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận rằng ai đó có thể biện minh cho việc sử dụng bạo lực thể xác vì những bộ phim hoạt hình này. Và tôi sẽ luôn bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở đất nước tôi, về tư tưởng, về những hình vẽ.”

Cuộc phỏng vấn đã gây ra một cơn bão trên mạng xã hội, khi nhiều người cho rằng đài Qatar đã sai lầm khi nhường không gian cho Tổng thống Pháp trình bày, người mà họ cho rằng đã không xin lỗi vì đã xúc phạm người Hồi giáo. Một số người chỉ trích Macron vì đã chọn Al-Jazeera, đài truyền hình từng là trung tâm của các tranh chấp chính trị giữa các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ và bị nhiều người coi là dành thời gian phát sóng cho những người theo chủ nghĩa cứng rắn và các nhóm Hồi giáo, là những nhóm nằm ngoài vòng pháp luật ở nhiều quốc gia ở Trung Đông.

Nhưng đối với những người khác, sự xuất hiện của Macron trên Al-Jazeera được ca ngợi là một thành công của các chiến dịch biểu tình và tẩy chay, vốn đã buộc tổng thống Pháp phải nói chuyện với người Hồi giáo thông qua một kênh nói tiếng Ả Rập.

Người biểu tình đốt hình Tổng thống Macron hôm 1/11 tại Karachi, Pakistan

Các cuộc biểu tình tại các quốc gia đa số là người Hồi giáo trong tuần rồi, và cả những lời kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Pháp, khởi đầu sau khi Tổng thống Macron đọc điếu văn cho một giáo viên Pháp ở Paris, người đã bị chặt đầu vì chiếu tranh biếm họa về Nhà tiên tri Muhammad trong lớp. Hai cuộc tấn công xảy ra sau đó nhằm vào một nhóm tín đồ trong một nhà thờ ở Nice, và một linh mục người Hy Lạp ở Lyon.

Các nhóm Hồi giáo và những người theo chủ nghĩa cứng rắn trên khắp thế giới Hồi giáo đã tập hợp những người ủng hộ họ để đứng lên phản đối các bức tranh biếm họa và lập trường của chính phủ Pháp, tiếp tục các cuộc biểu tình nhắm vào Macron trong tuần trước.

Hôm Chủ nhật, tại thành phố Karachi của Pakistan, đã có hàng trăm người ủng hộ đảng Jaamat-e-Islami đã đốt cháy hình nộm Macron. Đám đông khoảng 500 người đã hô vang phản đối Macron và kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Pháp.

Đám đông sau khi tách ra từ đoàn biểu tình lớn, đã tuần hành hướng đến Lãnh sự quán Pháp tại thành phố trong khi an ninh đang thắt chặt quanh khu vực.

Hồi đầu ngày Chủ nhật, các sinh viên Hồi giáo Shia đã diễu hành đoạn đường 3km và hô vang sẽ hy sinh mạng sống vì danh dự của đạo Hồi và các vị thánh trong tín ngưỡng của họ. Khoảng 500 sinh viên cùng vài trăm phụ nữ đã trải cờ Pháp xuống dưới mặt đường và vừa biểu tình vừa cầm theo hình ông Macron.

Tại thành phố Multan, miền trung Pakistan, hàng trăm thương nhân đã tập hợp để biểu tình kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Pháp.

Tại thủ đô Beirut của Lebanon, hàng chục người biểu tình đã tuần hành đến Đại sứ quán Pháp ở thủ đô của Lebanon, giơ cao các biểu ngữ có nội dung: “Bất cứ điều gì trừ nhà tiên tri Muhammad,” và hô vang bảo vệ đạo Hồi. Xung quanh đại sứ quán được thắt chặt an ninh.

Tại Ahmedabad, một thành phố ở bang Gujarat của Ấn Độ, những người biểu tình đã dán ảnh của Macron trên đường phố qua đêm, để cho người đi bộ và phương tiện đi qua vào Chủ nhật.

Các cuộc biểu tình chống Pháp đã được các nhóm Hồi giáo tổ chức vào thứ Sáu tại Mumbai, thủ đô tài chính và giải trí của Ấn Độ, và Bhopal, thủ phủ của bang Madhya Pradesh.

Các nhóm Hồi giáo hôm Chủ nhật cũng tổ chức một cuộc biểu tình ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.