Các nước Ả Rập kêu gọi phiến quân Houthi cho phép Liên Hợp Quốc tiếp cận tàu dầu trên Biển Đỏ

(VOH) – Sáu quốc gia Ả Rập đang hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc “nỗ lực hết mức” để thuyết phục phiến quân Houthi của Yemen cho phép kiểm tra một tàu dầu đang neo đậu trên Biển Đỏ.

Con tàu tên Safer này đang chứa hơn một triệu thùng dầu trên đó.

Sự hối thúc này có ý nghĩa mong muốn phòng ngừa “một sự tàn phá môi trường trên diện rộng, một thảm họa nhân đạo và cả một sự gián đoạn trong thương mại hàng hải”.

Tàu chở dầu Safer

Tàu chở dầu Safer đang neo tại Biển Đỏ. Ảnh: Reuters

Trong một lá thư gửi đến Hội đồng Bảo an công bố hôm thứ Năm, 6 quốc gia này đã cảnh báo rằng trong trường hợp xảy ra vụ nổ hoặc rò rỉ, khả năng một vụ tràn 181 triệu lít dầu ở Biển Đỏ sẽ tồi tệ hơn bốn lần so với thảm họa dầu mỏ của Exxon Valdez diễn ra ở Alaska vào năm 1989.

Tàu chở dầu Safer, đang neo đậu để hoạt động như một nhà ga nhỏ để lưu trữ và giảm tải dầu từ các mỏ dầu nội địa của Yemen, đã không được sử dụng kể từ tháng 3/2015, khi khu vực này rơi vào quyền kiểm soát của Houthi, và sau đó đã có nhiều mối lo ngại rằng kết cấu của con tàu đã xuống cấp đáng kể và không đủ an toàn.

Tàu chở dầu này đang neo đậu ở phía bắc cảng Hodeida chính của Yemen, nơi xử lý khoảng 70% lượng hàng nhập khẩu thương mại và nhân đạo của đất nước. Các đại sứ Liên Hợp Quốc của các nước Djibouti, Ai Cập, Jordan, Ả Rập Saudi, Sudan và Yemen nói trong thư rằng một vụ nổ hoặc rò rỉ từ tàu Safer sẽ dẫn đến việc đóng cửa cảng Hodeida trong vài tháng. Điều này sẽ ngăn chặn các chuyến hàng nhập khẩu quan trọng và có thể làm tăng giá nhiên liệu lên 800% và tăng gấp đôi giá hàng hóa và thực phẩm, dẫn đến nhiều thách thức kinh tế hơn cho người dân Yemen, họ nói.

Ngoài ra, nguy cơ rò rỉ hoặc nổ cũng sẽ ảnh hưởng đến 1,7 triệu người đang sống bằng nghề đánh bắt cá trong khu vực và cả gia đình họ.

Trong trường hợp hỏa hoạn lớn, khí độc sẽ ảnh hưởng đến 3 triệu người ở Hodeida, tầng ngậm nước có thể bị nhiễm độc và khoảng 40% đất nông nghiệp được canh tác ở Yemen sẽ bị mây đen che phủ, dẫn đến việc phải phá bỏ hoàng loạt cánh đồng ngũ cốc, trái cây và rau quả, đại sứ của 6 quốc gia nói thêm.

Các đại sứ của 6 nước Ả Rập này trước đó đã nhiều lần cố gắng để Liên Hợp Quốc có thể đánh giá tình trạng của tàu Safer nhưng đều thất bại, lần gần nhất là hồi tháng 9/2019.

Một vấn đề trong việc giải quyết số phận lâu dài hơn của Safer là ai sẽ giành quyền kiểm soát dầu - và số tiền thu được từ việc bán số dầu đó.

Trong một nghị quyết hồi tháng trước về việc kéo dài lệnh trừng phạt cho Yemen, Hội đồng Bảo an đã kêu gọi để Liên Hợp Quốc tiếp cận Safer “không chút chậm trễ” khi nói rằng tàu dầu này đang có các “mối nguy hại cho môi trường”.