Căng thẳng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc lại nóng

(VOH) - Khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc ở phía tây dãy Himalaya lại nóng lên những ngày gần đây với động thái mới nhất khi hai nước lần lượt cáo buộc lẫn nhau đã khai hỏa bắn vào không trung.

Động thái này đã đẩy mâu thuẫn vốn đã âm ỉ lâu nay tại khu vực biên giới tranh chấp hai quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân tiếp tục leo thang.

Hàng trăm binh sĩ của Ấn Độ và Trung Quốc đã được điều động dọc theo khu vực biên giới trong tâm thế “so găng” và sẵn sàng chiến đấu. Mâu thuẫn giữa hai láng giềng đã bị đẩy lên cao sau cuộc đụng độ tay đôi vào tháng 6 vừa qua khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ lâu nay vốn đã duy trì thỏa thuận tránh sử dụng súng ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya. Mặc dù vậy, thỏa thuận này không thể ngăn chặn những cuộc đụng độ gây thương vong thường xảy ra giữa hai bên.

Khu vực Ladakh, nơi xảy ra tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ảnh: BBC

Phía quân đội Ấn Độ trong một tuyên bố đã cáo buộc Lực lượng giải phóng quân nhân dân (LPA) của Trung Quốc đã triển khai áp sát trước khu vực do Ấn Độ quản lý tại vùng Ladakh, ngay Đường Kiểm soát thực tế (LAC) vào đêm ngày 8/9.  

Ấn Độ cũng cho biết: “Khi bị lực lượng Ấn Độ can ngăn, phía LPA đã khai hỏa bắn chỉ thiên vào không trung nhằm mục đích đe dọa.” Ấn Độ cũng khẳng định quân đội nước này đã hành động một cách thận trọng trước Trung Quốc.

“Quân đội Ấn Độ chưa từng vượt qua Đường Kiểm soát thực tế - LAC hoặc sử dụng bất kỳ phương thức gây hấn nào, bao gồm khai hỏa bắn chỉ thiên”, tuyên bố trên nêu rõ.

Ngoài ra, vào ngày 7/9, Ấn Độ cũng lên tiếng về nghi vấn 5 công dân của mình có thể đã bị lực lượng LPA của Trung Quốc bắt cóc tại bang Arunachal Pradesh nằm trong khu vực tranh chấp.Trung tá Harsh Wardhan Pande, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ấn Độ, cho biết nước này đã trao đổi qua đường dây nóng với phía Trung Quốc rằng một số công dân có thể đã đi lạc sang bên kia biên giới, đồng thời kêu gọi Trung Quốc cùng có thiện chí giải quyết sự việc.

Căng thẳng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc lại nóng
Ấn Độ và Trung Quốc thường xuyên xảy ra xung đột về biên giới trên dãy Himalaya. Ảnh: BBC

Về phía Trung Quốc, nước này lại cho rằng Ấn Độ đã có hành động xâm phạm biên giới ở khu vực bờ nam của hồ Pangong Tso - điểm nóng leo thang căng thẳng giữa hai nước trong hơn một tuần qua.

Zhang Shuili, đại diện PLA cho biết: “Quân đội Ấn Độ đã nổ súng đe dọa lực lượng biên phòng Trung Quốc. Biên phòng Trung Quốc đã cố gắng đàm phán, tuy nhiên sau đó buộc phải thực hiện các biện pháp đối phó nhằm ổn định tình hình.”

Quan chức ngoại giao và tư lệnh quân đội của cả hai nước Ấn Độ và Trung Quốc đã trải qua nhiều vòng đàm phán kể từ tháng 7 năm nay nhằm kéo giảm căng thẳng, tuy nhiên kết quả đạt được vô cùng ít ỏi. Cả hai bên đều chưa tìm được tiếng nói chung trong việc cắt giảm lực lượng ở khu vực biên giới dãy Himalaya - nơi mà cả hai đều tuyên bố chủ quyền và xem là quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, tại cuộc hội đàm, hai bên đã thảo luận một cách thẳng thắn về tranh chấp và mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, phía Ấn Độ cho rằng các hành động của Trung Quốc đã vi phạm các thỏa thuận giữa hai nước, đồng thời nhấn mạnh việc giải quyết đối đầu thông qua đàm phán. 

Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng nguyên nhân dẫn tới căng thẳng là do Ấn Độ. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, hai bên cần nghiêm túc thực hiện đồng thuận quan trọng mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đạt được và tiếp tục cam kết giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn. 

Chuyên gia nhận định căng thẳng leo thang gần đây giữa hai nước là do Ấn Độ đã tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực Ladakh nhằm rút ngắn khoảng cách với Trung Quốc. Ảnh: BBC

Vấn đề tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã kéo dài hơn nửa thế kỷ, kể từ cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962 và vẫn âm ỉ cho đến ngày nay. Cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền đối với khu vực có diện tích hàng hàng km2  trải dài từ vùng sa mạc tuyết Ladakh ở phía tây đến khu vực rừng núi bạt ngàn ở phía đông thuộc dãy Himalaya.

Các chuyên gia quân sự nhận định cuộc đối đầu gia tăng trong những tháng gần đây có thể xuất phát từ việc Ấn Độ đã và đang xây dựng các tuyến đường, sân bay để thu hẹp khoảng cách với cơ sở hạ tầng vượt trội của Trung Quốc ở khu vực dọc theo biên giới. Cụ thể, tại Galwan, Ấn Độ đã hoàn thành một con đường dẫn đến một sân bay hồi tháng 10.2019 và Bắc Kinh đã yêu cầu New Delhi ngừng tất cả các công trình xây dựng.