Chi tiêu cho quân sự của Hàn Quốc khiến Triều Tiên lo lắng

(VOH) - Hàn Quốc và Triều Tiên tiếp tục đầu tư vào việc hiện đại hóa quân đội trong bối cảnh xảy ra nhiều khủng hoảng ngoại giao kể từ năm 2018 đến nay.

Việc phát triển quân đội ở cả hai bên biên giới - vốn được bảo vệ nghiêm ngặt đã khỏi đầu với các vụ phóng tên lửa tầm ngắn gần đây của Triều Tiên để hoàn thiện một kho vũ khí mà theo họ là cần thiết để chống lại vũ khí mới của Hàn Quốc.

Vào thứ Tư (11/9), truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã trực tiếp giám sát vụ thử nghiệm hệ thống phóng nhiều tên lửa lớn hôm thứ Ba (10/9), một loại vũ khí được các nhà phân tích cho là mối đe dọa của lực lượng Hàn Quốc.

Bình Nhưỡng đã chỉ trích các cuộc tập trận của quân đội Mỹ - Hàn Quốc và sự mua bán vũ khí phòng thủ của Hàn Quốc - bao gồm một tàu sân bay, máy bay chiến đấu tàng hình và vệ tinh gián điệp – một sự chuẩn bị không thể chối cãi cho một cuộc tấn công phủ đầu.

Trong một bài bình luận hôm thứ Sáu (6/9), hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết, việc Hàn Quốc đầu tư cho các hệ thống vũ khí mới là “một sự phản bội không thể chấp nhận được” và có nguy cơ phá hủy hòa bình trên bán đảo.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc (MND) đã không trả lời yêu cầu bình luận. Chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đồng ý chi hàng tỷ đô la cho ngân sách quốc phòng vốn đã thuộc hàng lớn nhất thế giới của nước này.

Năm 2018, chi tiêu quân sự của Hàn Quốc đạt 43,1 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2017 (theo MND). Đó là bước nhảy lớn nhất trong một năm kể từ lần tăng 8,7% năm 2009. Vào tháng 7, MND tuyên bố Hàn Quốc sẽ chế tạo một tàu sân bay hạng nhẹ đầu tiên của nước này. Và vào tháng 8, họ đã tiết lộ kế hoạch chi thêm khoảng 239 tỷ đô la từ năm 2020 đến năm 2024. Khoảng 85 tỷ đô la của ngân sách tương lai được dành cho việc cải thiện vũ khí, với mức tăng trung bình 10,3% hàng năm.

“Do tình hình an ninh căng thẳng hiện tại, chính phủ đang đầu tư nhiều vào việc tăng cường khả năng phòng thủ của mình,” MND cho biết khi kế hoạch được công bố.

Đến năm 2023, ngân sách “cải tiến lực lượng” sẽ chiếm hơn 36% tổng chi tiêu quốc phòng, tăng từ khoảng 31% trong năm nay, theo Sách trắng Quốc phòng 2018 của Hàn Quốc.

Trong số các vũ khí Seoul mua có hệ thống phòng thủ tên lửa mới; thêm ba tàu khu trục được trang bị hệ thống radar Aegis tiên tiến; vệ tinh gián điệp và máy bay không người lái trinh sát tầm cao; trực thăng chống tàu ngầm; máy bay tuần tra hàng hải; tàu ngầm có thể bắn tên lửa hành trình và đạn đạo; và một tàu chiến được trang bị tên lửa dẫn đường.

“Cả hai nước đều không muốn đối đầu toàn diện, nhưng cả hai đều muốn đảm bảo rằng họ có sẵn vũ khí và tài nguyên phòng thủ trong trường hợp xảy ra xung đột,” Daniel DePetris, một thành viên của Defense Prior, có trụ sở tại Washington, cho biết.

Mối quan tâm trước mắt của Triều Tiên là năm nay Hàn Quốc sẽ nhận được 40 chiếc máy bay tàng hình F-35A đầu tiên trên đất liền từ Mỹ.

Triều Tiên cho rằng việc mua vũ khí là sự nâng cấp vũ trang liều lĩnh, buộc họ phải phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới (SRBM) để “phá hủy hoàn toàn” các mối đe dọa mới này.

F-35 “đặt các hệ thống phòng thủ không có phi cơ và tên lửa của Triều Tiên vào thế yếu, đó có thể là lý do Triều Tiên đáp trả bằng cách tăng tốc phát triển SRBM của riêng mình,” DePetris nói. Triều Tiên cũng coi F-35 là vi phạm thỏa thuận giảm việc gia tăng quân sự mà hai nước đã ký vào tháng 9/2018. Triều Tiên đã đồng ý chấm dứt “tất cả các hành vi thù địch”, nhưng thỏa thuận này không đề cập đến vũ khí mới.

Biểu đồ chi tiêu quân sự của các quốc gia xung quanh khu vực bán đảo Triều Tiên tính đến năm 2018 (Ảnh: Reuters)

Với việc Triều Tiên chịu các lệnh trừng phạt quốc tế chặt chẽ, họ không có đủ khả năng chạy đua vũ trang, các nhà phân tích cho biết. Năm 2016, năm cuối cùng có ước tính, Triều Tiên đã chi khoảng 4 tỷ đô la, tương đương 23% GDP, cho quốc phòng. Gần 5% dân số phục vụ trong quân đội, theo báo cáo Chi tiêu quân sự và chuyển giao vũ khí của Bộ Ngoại giao Mỹ 2018.

Mặc dù Kim đã thể hiện sự quan tâm đến việc sử dụng ngành công nghiệp quốc phòng lớn của đất nước để phục vụ nhiều hơn cho các dự án dân sự, nhưng có rất ít tiến bộ và các tổ chức viện trợ quốc tế nói rằng hàng chục ngàn cư dân Triều Tiên phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực.

Dù sự gia tăng trong chi tiêu quân sự dường như mâu thuẫn với ý định hòa bình với Triều Tiên của Moon, các nhà phân tích nói rằng phần lớn do các vấn đề khác, bao gồm việc Hàn Quốc thay đổi nhân khẩu học và mối quan hệ giữa họ với đồng minh lâu năm Mỹ.

Kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, quân đội Mỹ đã giữ quyền kiểm soát hàng trăm ngàn lực lượng Hàn Quốc cùng với khoảng 28.500 lính Mỹ ở Hàn Quốc trong trường hợp một cuộc chiến khác nổ ra.

Ngoài ra, dân số Hàn Quốc đang già đi, làm giảm số lượng thanh niên sẵn sàng phục vụ trong quân đội Hàn Quốc.

Đến năm 2025, Hàn Quốc dự định giảm quân đội thường trực từ 599.000 quân xuống còn 500.000, theo Sách trắng Quốc phòng, với mục tiêu là “quân đội có nhỏ hơn nhưng mạnh hơn trong chiến đấu”. Nhưng các nhà phân tích cũng nói rằng Hàn Quốc muốn giảm sự phụ thuộc vào thiết bị của Mỹ, một phần vì họ bất mãn với việc Washington không sẵn sàng chia sẻ những công nghệ mới nhất với họ.

“Để đảm bảo khả năng tự vệ và sự phát triển của khoa học và công nghệ quốc gia, chính sách mua lại sẽ được thay đổi tập trung vào R&D trong nước thay vì nước ngoài,” MND nói trong thông báo ngân sách tháng 8.

Moon muốn xây dựng khả năng quân sự để hoạt động độc lập nhất có thể trước khủng hoảng kinh tế khiến việc chi tiêu trở nên khó khăn hơn, một quan chức quân sự phương Tây ở Seoul, người không được phép nói chuyện với giới truyền thông.