Chile cắt giảm 2,2 tỷ túi nylon trong vòng 1 năm bằng cách nào?

(VOH) - Theo thống kê, tròn 1 năm sau khi luật cấm sử dụng loại túi chỉ sử dụng 1 lần tại các trung tâm thương mại và cửa hàng bán lẻ có hiệu lực, Chile đã cắt giảm được 2,2 tỷ túi nylon.

Bộ trưởng Môi trường Chile Carolina Schmidt ví von nếu nối liền lượng túi nylon này, chúng có tổng chiều dài gấp 240 lần chiều dài Bắc-Nam của Chile.

Ngày 3/8/2018, Tổng thống Chile Sebastian Pinera chính thức ban hành lệnh cấm sử dụng túi nylon trong hoạt động thương mại. Đây là quốc gia đầu tiên ở khu vực Mỹ Latinh cấm sử dụng túi nylon trên phạm vi cả nước.

Mục tiêu của đạo luật này là nâng tỷ lệ tái sử dụng bao bì sản phẩm từ các hộ gia đình từ mức 12,5% hiện tại lên mức 60% vào năm 2030, tương đương với mức mà các nước phát triển đã đạt được.

Chile cấm sử dụng túi nylon như thế nào?

Theo lệnh cấm sử dụng túi nylon, ngoại trừ bao bì đóng gói (cần thiết để bảo quản thực phẩm), mọi hình thức sử dụng túi nylon sẽ bị cấm tuyệt đối tại tất cả các cơ sở kinh doanh thương mại như siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng hay hiệu thuốc.

cắt giảm túi nylon, cấm sử dụng túi nylon

Các túi nhựa bên trong giỏ hàng tại một siêu thị ở Santiago (Ảnh: trtworld)

Các doanh nghiệp lớn của nước này có thời hạn 6 tháng để chuẩn bị cho việc loại bỏ hoàn toàn túi nylon, trong khi đó, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ có hai năm để thích ứng với điều luật mới.

Trong thời hạn này, việc sử dụng túi nylon sẽ bị giới hạn. Các cơ sở kinh doanh thương mại chỉ được phép sử dụng tối đa 2 túi nylon cho mỗi lần giao dịch. Cơ sở nào vi phạm sẽ phải nộp phạt 370 USD với mỗi túi nylon được phát ra.

Kể từ tháng 2 vừa qua, các siêu thị và các chuỗi cửa hàng tạp hóa bán lẻ không được đưa túi nylon cho khách hàng, trong khi các cửa hàng bán lẻ cỡ nhỏ vẫn được đưa tối đa 2 túi/khách hàng cho tới tháng 8/2020.

Bộ trưởng Môi trường Chile Carolina Schmidt cho biết, sắp tới Santiago sẽ triển khai Luật Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, trong đó buộc các doanh nghiệp phải có trách nhiệm xử lý rác thải và bao bì thải ra từ các sản phẩm mà họ đưa vào thị trường.

Bà Schmidt đánh giá, lệnh cấm túi nylon khá tính tích cực và đã tạo ra một thay đổi lớn trong thói quen tiêu dùng chỉ trong một thời gian ngắn.

Nếu không cấm, trái đất sẽ bị bao phủ bởi túi nylon

Theo thống kê của Pinera, mỗi túi nylon chỉ mất vài giây để sản xuất và chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn rồi bị vất bỏ, nhưng chúng phải mất tới 400 năm để có thể phân hủy trong môi trường tự nhiên. 

Nạn ô nhiễm rác thải nhựa sử dụng một lần, không thể phân hủy hoặc khó phân hủy đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi phút, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, trong khi mỗi năm có đến 5.000 tỷ túi nylon dùng một lần được sử dụng.

Tổng cộng có một nửa số sản phẩm nhựa là loại chỉ để dùng một lần, từ ống hút, dây câu cá tới tã trẻ em hay túi bọc đồ. Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu.

Loại chất dẻo này chiếm 10% tổng lượng chất thải hiện đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và sức khỏe con người.

Minh Nghĩa (Tổng hợp)

Con người thải ra hàng tỷ tấn rác thải nhựa mỗi năm, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn đe dọa trực tiếp của nhiều loại động vật (Ảnh: inewsguyana.com)

Theo công bố của Tổ chức Bảo vệ môi trường biển Ocean Conservancy, 90% lượng rác thải trôi nổi trên biển là rác thải nhựa gồm vỏ bánh kẹo, chai lọ nhựa, túi nylon, thìa, dĩa, ống hút… Trong số đó, 70-80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ đất liền, của các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp ven biển, xả thẳng ra sông, ra biển, không qua xử lý.

Theo ước tính của các chuyên gia, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất và một phần lớn trong số đó sẽ kết thúc ở các đại dương nơi mà chúng sẽ "trôi nổi" trong nhiều thế kỷ. Như vậy, theo một kịch bản xấu nhất mà Ocean Conservancy và Công ty Tư vấn McKinsey dự báo, tới năm 2025, cứ có 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương.

Người ta ước tính, mỗi năm chất thải nhựa đổ ra đại dương có thể bao quanh 4 vòng Trái Đất, và nó có thể tồn tại 1.000 năm trước khi tiêu hủy hoàn toàn.

Chile là một trong những nước dẫn đầu Mỹ Latinh về phản đối sử dụng túi nylon. Năm 2014, chính phủ nước này đã cấm sử dụng túi nylon ở Patagonia. Năm ngoái, lệnh cấm này đã được mở rộng ra cả nước.

Theo thống kê, mỗi năm Chile thải ra môi trường khoảng 3,4 tỷ túi nylon, tương đương 200 chiếc/người.

Đảo quốc Antigua và Barbuda ở Caribe là những quốc gia trên thế giới cấm túi nylon trong năm 2016. Cùng năm này, Colombia cũng đã cấm sử dụng các loại túi nylon cỡ nhỏ, sau đó tiếp tục áp thuế đối với việc sử dụng loại túi cỡ lớn vào năm 2017.

Ecuador hiện siết chặt các quy định về sử dụng túi nylon, ống hút và chai nhựa quanh Khu vực Di sản Thế giới và khu bảo tồn sinh quyển Galapagos Islands.

Panama là quốc gia đầu tiên ở khu vực Trung Mỹ công bố lệnh cấm hoàn toàn túi nylon từ tháng 1, song các doanh nghiệp có tới 2 năm để chuẩn bị cho việc thực thi chỉ thị này.

Hiện đã có 3 thành phố lớn nhất của Mỹ Latinh là Mexico City (Mexico), Buenos Aires (Argentina) và Sao Paolo (Brazil) cũng đã đưa ra các lệnh cấm đối với túi nylon.

Nghi phạm 21 tuổi xả súng tại siêu thị Walmart Mỹ, ít nhất 20 người thiệt mạng - Tay súng 21 tuổi bắn vào đám đông mua sắm tại siêu thị Walmart ở bang Texas hôm 3/8 (sáng 4/8 giờ Hà Nội) khiến ít nhất 20 người chết - theo Time.

Mexico: Xông vào đồn cảnh sát, bắn chết 5 người - Các tay súng đi xe ôtô đến đồn cảnh sát bang Guanjuanto, Mexico, hôm 2/8, xông vào bắn chết 5 người đang bị giam tại đây.