Cuộc chiến về giá bắt đầu, giá dầu thế giới lao dốc

(VOH) - Giá dầu tại khu vực châu Á ngày hôm nay 9/3 đã bất ngờ lao dốc đến 30%. Theo các nhà phân tích, đây chính là khởi đầu của cuộc chiến về giá giữa các quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.

Quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới là Ả Rập Saudi từ thứ sáu tuần vừa rồi đã giảm mạnh giá dầu sau khi nước này thất bại trong nỗ lực thuyết phục Nga quay trở lại cắt giảm mạnh sản lượng dầu. Quốc gia này cũng đang cân nhắc tăng sản lượng cung cấp từ 9,7 triệu thùng/ngày lên hơn 10 triệu thùng/ ngày.

Theo đó, giá dầu Brent đã giảm mạnh xuống mức chỉ còn 31,02 USD/ thùng vào thứ hai ngày 9/3 trong bối cảnh thị trường đang đầy biến động. Mức giảm của giá dầu ngày hôm nay lên đến 30%.

Trước đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) gồm 14 nước thành viên, dẫn đầu là Ả Rập Saudi đã có cuộc họp với đồng minh Nga và nhiều quốc gia không là thành viên OPEC nhằm tìm cách xử lý khi nhu cầu về dầu của thị trường sụt giảm trong bối cảnh toàn cầu đang bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra (Covid-19).

Tuy nhiên, cuộc họp giữa các bên đã không mang lại kết quả như mong đợi là cắt giảm sản xuất để bù đắp cho sự suy giảm nhu cầu với mức giảm khoảng 1,5 triệu thùng/ngày.

Điều này đã khiến giá dầu Brent giảm mạnh xuống dưới mức 50$/thùng vào ngay ngày thứ sáu vừa rồi, và xu hướng giảm giá dầu tiếp tục lan sang thị trường dầu châu Á vào hôm nay ngày 9/3. Châu lục này gồm nhiều nước có lượng nhập khẩu dầu lớn là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Trong tình hình hiện nay, khi sản lượng dầu toàn cầu đang vượt xa nhu cầu, nhà phân tích Martjin Rats từ Morgan Stanley nhận định các nước thành viên OPEC dự kiến sẽ bơm thêm dầu để nắm giữ thị phần.

Ông Rats lưu ý: “Các nước OPEC hiện có quá ít động cơ để giảm sản lượng, và thị trường dầu có vẻ đang quá tải.”

Edward Bell, nhà phân tích hàng hóa tại Emirates NBD dự báo: “Các thành viên OPEC và các nước khác có khả năng sẽ tăng sản lượng từ quý II năm nay trở đi. Một làn sóng dầu sẽ tràn ra thị trường. Chúng ta sẽ thấy À Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và các nhà sản xuất lớn khác trong OPEC tăng sản lượng trong phần còn lại của năm 2020, khi họ quay lại chiến lược giành thị phần hơn là mục tiêu về giá.”

Một tàu sản xuất và lưu trữ dầu ở Đại Tây Dương. Ảnh: BBC

Nhìn chung, lần cuối mà giá dầu ở mức như hiện tại là tháng 1/2016 và đang ở gần mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua.

Nhà phân tích Vandana Hari đến từ công ty nghiên cứu Vanda Insights, cho biết thị trường hiện đã bị “sốc” bởi sự bất đồng về cắt giảm sản xuất giữa các nước OPEC và Nga.

Ngoài ra, việc Mỹ vượt lên là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới vào năm ngoái cũng là một phần khiến giá dầu giảm mạnh. Mỹ vốn không phải là một phần của OPEC. Không giống như Nga, Mỹ cũng chẳng hợp tác với khối này trong các quyết định sản lượng đầu ra. Thực tế, Mỹ đã tăng bán mạnh dầu thô trong những năm gần đây, làm ngập thị trường và khiến giá đi xuống.