Gần 400 người Rohingya sắp chết đói được giải cứu sau 2 tháng trôi dạt trên biển

(VOH) - Bangladesh cho biết đã cứu sống 396 người tị nạn Rohingya sắp chết đói trên một con thuyền trôi dạt trên biển suốt 2 tháng trời. Đáng tiếc, khi được cứu thì trên thuyền đã có 32 người chết.

Theo cơ quan chức năng Bangladesh, con thuyền này chở theo hàng trăm người dân tộc thiểu số Rohingya, tìm đường đến Malaysia nhưng thất bại và suốt gần 2 tháng nay phải lênh đên trên biển trong tình trạng đói khát.

Nhiều báo cáo cho rằng vì dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát và diễn biến phức tạp trên toàn cầu nên phía Malaysia đã từ chối yêu cầu cập cảng và yêu cầu con thuyền quay trở về. Hiện vẫn chưa rõ hơn 400 người trên thuyền xuất phát từ Bangladesh hay Myanmar.

Một con tàu đánh cá chở theo người Rohingya đã bị tạm giữ sau khi đi vào khu vực đảo Langkawi, Malaysia ngày 5/4/2020. Ảnh: The Strait Times

Đại diện lực lượng bảo vệ bờ biển Bangladesh - Shah Zia Rahman cho biết đã cứu sống 396 người Rohingya. Tất cả đều cùng ở trên cùng một tàu đánh cá. Vô cùng đông đúc và chật chội. "Chúng tôi đã đưa họ đến bờ biển gần Teknaf. Tất cả bọn họ đều dường như sắp chết vì đói. Họ đã lênh đênh trên biển suốt 58 ngày và chỉ mới đến khu vực biển Bangladesh khoảng một tuần nay", ông Shah Zia Rahman nói.

Ông Rahman cũng cho biết đã mất khoảng 3 ngày sau khi nhận được tín hiệu thì tìm thấy chiếc thuyền tại một bờ biển ở phía đông nam.

Hiện tại, những người được cứu sống trên thuyền - phần lớn là phụ nữ và trẻ em - đang được tạm thời cách ly tại chỗ. Chính quyền địa phương chưa thể tiếp cận gì thêm vì không chắc những người này có nhiễm virus Sars-CoV-2 hay không

Gần 400 người Rohingya được giải cứu sau gần 2 tháng trôi dạt trên biển đang được tập trung tại một bờ biển gầnTeknaf, Bangladesh. Ảnh: Reuters

Trong một diễn biến khác, một số tổ chức cứu trợ nhân đạo lớn trên thế giới đã kêu gọi chính phủ Bangladesh và Myanmar khôi phục lại đường truyền internet tại các trại tị nạn nơi đang có hàng trăm ngàn người Rohingya đang sinh sống, nhằm để những người này có thể tiếp cận được các thông tin chỉ dẫn về y tế trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Trước đó, chính quyền Bangladesh đã cắt internet tại trại tị nạn lớn nhất nước này từ năm ngoái vì các lý do an ninh.

Rohingya là người dân tộc thiểu số tại bang Rakhine, Myanmar và là cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất tại nước này. Tuy nhiên, chính phủ Myanmar không thừa nhận quyền công dân của cộng đồng này và cho rằng đây là nhóm người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh.

Năm 2017, một cuộc đàn áp người Rohingya do quân đội Myanmar tiến hành đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Kể từ đó, hơn 700.000 người còn lại luôn tìm cách chạy trốn và tìm đến các quốc gia Nam Á khác, đặc biệt là Bangladesh, nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ hoặc tị nạn. Những người này thường di chuyển bằng con tàu không đủ điều kiện an toàn của bọn buôn người, thời gian đi thường vào tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau vì lúc này thời tiết biển tương đối ổn định, ít biến động.