Giá dầu thế giới đột ngột giảm, sẽ kéo giảm căng thẳng thương chiến Mỹ-Trung?

(VOH) - Giá dầu thế giới đột ngột giảm vào thứ Ba 20/8 do ảnh hưởng từ các báo cáo lo ngại về lượng cung sản xuất vượt quá nhu cầu.

Kéo giảm mâu thuẫn thương mại?

Giá dầu giảm đã làm dấy lên hy vọng cho quan hệ thương mại giữa các cường quốc trên thế giới cũng sẽ giảm theo, nổi bật trong đó là mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung. Ngoài ra, thông tin này cũng được kỳ vọng sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực thúc đẩy các nền kinh tế lớn thực hiện các biện pháp phòng tránh nguy cơ suy thoái kinh tế.

Cụ thể, giá dầu thô Brent (LCOc1) - chuẩn mực toàn cầu về giá dầu đối với dầu thô lưu vực Đại Tây Dương và được sử dụng để định giá 2/3 nguồn cung dầu thô giao dịch trên thế giới - đã giảm 19 cent xuống còn ở mức 59,55 USD/thùng vào lúc 11:34 (GMT); trong khi dầu thô WTI (CLc1 - West Texas Intermediate) của Mỹ giảm 27 cent xuống còn 55,94 USD/thùng. Trước đó, cả hai loại dầu này đều liên tục có xu hướng tăng.

Cũng trong ngày hôm nay, phía Mỹ cho biết họ sẽ gia hạn lệnh trừng phạt đối với gã khổng lồ công nghệ đến từ Trung Quốc Huawei. Theo đó, Huawei sẽ có thêm 90 ngày để tiếp tục giao dịch với các công ty Mỹ. Đây có thể được xem là một động thái giảm nhẹ mâu thuẫn thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Việc gia hạn này của Mỹ đã khiến "các nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm" - trích lời ông Tamas Varga từ công ty môi giới dầu khí PVM.

Ông Stephen Innes - người đứng đầu bộ phận kinh doanh và chiến lược tiếp thị của VM Markets cho biết: "Xung đột thương mại Mỹ - Trung là nguyên nhân chính của sự suy thoái thị trường dầu. Điều này còn đẩy nền kinh tế thế giới đến bờ vực khủng hoảng và gây ảnh hưởng tiêu cực đến dự báo nhu cầu dầu toàn cầu."

Giá dầu thế giới đột ngột giảm, các mâu thuẫn thương mại kỳ vọng sẽ giảm theo

Mâu thuẫn thương mại kéo dài dai dẳng giữa hai siêu cường Mỹ - Trung là nguyên nhân chính của sự suy thoái thị trường dầu thế giới (Ảnh: Reuters)

Nhu cầu dầu giảm

Bên cạnh đó, các mối quan ngại về tổng nhu cầu dầu tiếp tục đè nặng và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường cũng như giá cả dầu thô trên thế giới. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng vừa đưa ra dự báo tăng trưởng dầu toàn cầu năm 2019 sẽ giảm xuống còn 1,1 triệu thùng/ngày (mức giảm khoảng 40.000 thùng/ngày), đồng thời cho biết thị trường sẽ có sự dư thừa nhẹ vào năm tiếp theo là 2020.

Một yếu tố nữa góp phần tạo cơ sở định hình giá dầu đó là tình hình tại các sàn giao dịch chứng khoán trên toàn thế giới - vốn có liên quan mật thiết và cũng cùng chung hy vọng tạo hiệu ứng thúc đẩy các nền kinh tế lớn sẽ có biện pháp chống lại sự tăng trưởng chậm bấy lâu nay.

Trong khi đó, lãi suất cho vay tham khảo mới của Trung Quốc đã được thiết lập thấp hơn một chút vào hôm 20/8 sau khi Ngân hàng Trung ương công bố cải cách lãi suất. Việc này sẽ giúp giảm chi phí vay vốn của các công ty vốn đang gặp khó khăn chung. 

Một nền kinh tế lớn khác là Đức cũng đang có những động thái tích cực. Theo đó, chính phủ Đức cho biết nước này chuẩn bị bãi bỏ quy tắc cân bằng ngân sách trước đây và tiến hành vay thêm các khoản vay vốn mới để đề phòng suy thoái kinh tế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư cũng đang theo dõi các dấu hiệu căng thẳng mới nhất ở Trung Đông sau khi Mỹ đặt siêu tàu chở dầu Iran vào trung tâm của cuộc đối đầu giữa Tehran và Washington, đồng thời lên tiếng cảnh báo các cảng biển ở Hy Lạp và khu vực Địa Trung Hải không được trợ giúp hay hỗ trợ siêu tàu dầu này.