Giá dầu thế giới tiếp tục giảm, làm dấy lên lo lắng cho kinh tế toàn cầu

(VOH) - Giá dầu thế giới vào thứ Năm 22/8 tiếp tục có sự sụt giảm nhẹ. Điều này làm dấy lên lo lắng cho kinh tế toàn cầu đối với lượng sản phẩm dầu dự trữ tại Mỹ - nơi tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

Dự trữ xăng dầu của Mỹ tăng

Cụ thể, giá dầu thô Brent (LCOc1) - chuẩn mực toàn cầu về giá dầu đối với dầu thô lưu vực Đại Tây Dương và được sử dụng để định giá 2/3 nguồn cung dầu thô giao dịch trên thế giới - đã giảm 16 cent, tương đương 0,3% hiện xuống còn ở mức 60,14USD/thùng vào lúc 6:34 (GMT).

Trong khi đó, giá dầu WTI (West Texas Intermediate) - hàng hóa cơ bản của các hợp đồng tương lai dầu của Sàn giao dịch hàng hóa New York - giảm 10 cent, tương đương 0,2% xuống còn ở mức 55,58USD/thùng.

Theo ông Stephen Innes - người đứng đầu bộ phận kinh doanh và chiến lược tiếp thị của Valour Markets, thị trường dầu tiếp tục xuống thấp khi lượng dầu dự trữ của Mỹ vẫn còn ở mức cao. Xăng và các sản phẩm chưng cất từ dầu khí của Mỹ đã tăng cao hơn dự kiến vào tuần trước, trong khi dự trữ dầu thô giảm do các hoạt động tinh luyện sản xuất dầu tăng mạnh - Cơ quan quản lý thông tin năng lượng của Mỹ thông báo vào ngày thứ Tư 21/8.

Theo giới phân tích, dự trữ xăng và sản phẩm hóa dầu tăng cho thấy nhu cầu giảm ở quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới này, và khiến thị trường dầu hiện nay trở nên ảm đạm. Nhìn chung giá dầu thế giới chịu tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các hoạt động kinh tế, các bằng chứng về nhu cầu sử dụng dầu của người tiêu dùng cuối cùng trong chuỗi sản xuất và các báo cáo thường kỳ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế từ nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu (OECD).

Giá dầu thế giới tiếp tục giảm khi dự trữ xăng dầu của Mỹ tăng

Một giếng dầu đang hoạt động tại mỏ dầu ở Midland thuộc bang Texas, Mỹ vào ngày 22/8/2019 (Ảnh: Reuters)

Các doanh nghiệp cũng bày tỏ lo lắng về triển vọng của nhu cầu dầu toàn cầu - đặc biệt giữa bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang suốt thời gian giữa hai siêu cường Mỹ - Trung. Hai quốc gia này là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và đồng thời cũng là nơi tiêu thụ dầu nhiều nhất.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thứ Tư 21/8 cho biết ông là "người được chọn" để xử lý sự mất cân bằng thương mại với Trung Quốc bấy lâu, thậm chí kể cả trong trường hợp tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ sụt giảm 0,3% vào năm 2020 do hậu quả từ các chính sách thuế quan - như các nhà nghiên cứu đã cảnh báo.

Biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ vào tháng 7 vừa qua cũng cho thấy các thành viên hội đồng quản trị của các ngân hàng đã có sự chia rẽ sâu sắc về việc có nên cắt giảm lãi suất mạnh như thị trường đang đặt cược hay không.

Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran

Trong khi đó, thị trường dầu mỏ có lẽ sẽ phần nào "được lợi" từ căng thẳng vốn đang leo thang giữa Mỹ và Iran. Mỹ đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran vào năm ngoái và sau đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố nếu xuất khẩu dầu của Iran bị cắt về số 0 thì hệ thống đường thủy quốc tế sẽ không còn được bảo đảm an ninh như trước.

Tổng thống Trump hồi tháng 5 vừa qua tiếp tục siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran - huyết mạch của nền kinh tế Tehran. Các quan chức Iran đã chỉ trích các lệnh cấm vận mới của Mỹ là chiến tranh kinh tế đối với đất nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Mới đây nhất, Mỹ đã đặt siêu tàu chở dầu Iran Grace 1 (nay đã được đổi tên thành Adrian Darya -1) vào trung tâm của cuộc đối đầu giữa Tehran và Washington, đồng thời lên tiếng cảnh báo các cảng biển ở Hy Lạp và khu vực Địa Trung Hải không được trợ giúp hay hỗ trợ siêu tàu dầu này.