Hàng loạt tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman - Liên minh châu Âu kêu gọi kiềm chế tối đa

Báo The Guardian ngày 13/6 đưa tin vụ tấn công mới nhất nhằm vào 2 tàu chở dầu ở ngoài khơi bờ biển Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), gần eo biển chiến lược Hormuz

Hai tàu bị nhắm mục tiêu bao gồm Front Altair (Na Uy) và The Kokuka Courageous. Trong đó, tàu Front Altair - chở 75.000 tấn naphtha, một nguyên liệu hóa dầu, nghi bị trúng ngư lôi. Truyền thông nhà nước Iran cho biết con tàu "bị đánh chìm". Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Frontline, công ty sở hữu Front Altair, phủ nhận thông tin này. 

Còn tàu The Kokuka Courageous bị hư hại sau khi bị tấn công trên đường từ Ả Rập Saudi tới Singapore. Toàn bộ 44 thành viên thuỷ thủ đoàn của hai tàu vừa nêu đã được sơ tán đến một cảng của Iran.

tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman

Tàu chở dầu Front Altair trước khi gặp sự cố. Ảnh: AP

Trước đó, hồi tháng 5, 4 tàu chở dầu khác cũng bị tấn công ở ngoài khơi bờ biển UAE. Mỹ sau đó đổ trách nhiệm cho lực lượng vũ trang Iran nhưng bị Tehran bác bỏ. Phiến quân Houthi cũng bị nghi ngờ thực hiện các vụ tấn công nhằm chống lại nỗ lực hất cẳng chúng khỏi Yemen do Ả Rập Saudi dẫn đầu.

Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ thông báo họ đang hỗ trợ các tàu chở dầu bị tấn công, trong khi Đơn vị Các hoạt động thương mại hàng hải trực thuộc Hải quân Hoàng gia Anh cũng vào cuộc điều tra.

"Chúng tôi rất quan tâm đến các báo cáo về các vụ nổ và hỏa hoạn trên các tàu thuyền ở eo biển Hormuz. Chúng tôi đang liên lạc với chính quyền địa phương và các đối tác trong khu vực" - một phát ngôn viên của chính phủ Anh nói.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho rằng sự cố này là rất "khả nghi," đồng thời kêu gọi đối thoại khu vực nhằm tránh căng thẳng. Ông nhấn mạnh "Diễn đàn Đối thoại khu vực mà Iran đề xuất là rất cần thiết."

Vụ việc trên xảy ra một tháng sau một sự cố tương tự cũng tại vùng biển này. Điều tra cho thấy mìn gài dưới đáy tàu đã gây hư hại cho 4 tàu thương mại. Saudi Arabia và Mỹ đổ lỗi cho Iran thực hiện vụ tấn công này, cáo buộc mà Tehran bác bỏ.

Liên quan đến sự kiện này, Liên minh châu Âu (EU) ngày 13/6 kêu gọi "kiềm chế tối đa". Theo Maja Kocijancic, người phát ngôn của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cho biết: "Khu vực này không cần thêm các yếu tố gây bất ổn và căng thẳng, vì vậy bà Mogherini kêu gọi tiếp tục kiềm chế tối đa và tránh mọi khiêu khích."