Hiện tượng nhật thực hình khuyên quan sát được tại nhiều nước châu Á

(VOH) - Người dân ở nhiều nước châu Á đã có dịp quan sát hiện tượng nhật thực hình khuyên với hình ảnh “vòng tròn lửa” ấn tượng vào trưa nay 26/12. Đây là kiểu nhật thực được đánh giá là đẹp nhất.

Theo đó, nhiều người dân ở các nước như Sri Lanka, Indonesia, Ấn Độ và Ả Rập Saudi đã tập hợp để chứng kiến hiện tượng tự nhiên kỳ thú này.

Vào ngày 26/12, hiện tượng nhật thực hình khuyên có thể nhìn thấy tại nhiều quốc gia Trung Đông và châu Á. Mặt trăng di chuyển vào giữa Mặt trời và Trái đất, nhưng chỉ che đi một phần của Mặt trời, để lại vòng sáng xung quanh Mặt trăng, hay còn được ví như "vòng tròn lửa". Đây là hiện tượng nhật thực cuối cùng của năm 2019.

Nhật thực hình khuyên về mặt lý thuyết là một dạng của nhật thực một phần vì nó không che khuất hoàn toàn Mặt Trời, nhưng trên thực tế lại giống nhật thực toàn phần hơn. Khi đó, Mặt trời, Mặt trăng, Trái đất nằm trên cùng một đường thẳng nhưng do Mặt trăng nằm xa Trái đất hơn (trên quỹ đạo hình elip) nên nó không thể che kín Mặt trời khi nhìn từ Trái đất, tạo ra một "vòng tròn lửa" trên bầu trời.

Hình ảnh ghi nhận được ở Thái Lan cho thấy Mặt trăng bắt đầu di chuyển che lấp dần Mặt trời trong hiện tượng nhật thực ngày 26/12. Ảnh: AFP

Hình ảnh trọn vẹn của hiện tượng nhật thực khi Mặt trăng, Mặt trời và Trái đất nằm thẳng hàng trên quỹ đạo, tạo ra "vòng tròn lửa" ấn tượng. Đây được đánh giá là kiểu nhật thực đẹp nhất. Ảnh chụp tại Ấn Độ. Nguồn: AFP

Trẻ em ở Myanmar sử dụng một loại kính đặc biệt để quan sát nhật thực ngày hôm nay. Ảnh: AFP

Một bé gái sử dụng phim chụp X-quang như một tấm lọc để quan sát hiện tượng nhật thực ở Pakistan. Ảnh: AFP

Thông thường, sẽ có khoảng hai lần xảy ra hiện tượng nhật thực vào một năm. Trong năm 2019, hiện tượng nhật thực từng diễn ra vào ngày 2/7 và thời điểm đó chỉ quan sát được nhật thực ở khu vực Nam Phi.

Người quan sát hiện tượng nhật thực bắt buộc phải sử dụng một số loại kính đặc biệt để đảm bảo an toàn khi nhìn thẳng về phía Mặt trời. Hiện tượng nhật thực toàn phần tiếp theo dự kiến sẽ xuất hiện vào ngày 14/12/2020 và khu vực quan sát được là vùng phía nam Chile, Argentina, khu vực tây nam châu Phi và vùng Nam Cực. Các nhà khoa học dự đoán hiện tượng nhật thực toàn phần sẽ biến mất trong khoảng 600 triệu năm nữa.