Hong Kong: Nhóm ủng hộ độc lập thách thức Bắc Kinh

(VOH) - Nhiều nhà hoạt động trẻ ủng hộ cắt đứt liên hệ với Bắc Kinh hôm thứ Hai dường như sắp sửa được bầu vào “nghị viện” Hong Kong lần đầu tiên, hai năm sau nhiều cuộc biểu tình lớn ủng hộ dân chủ.

Kỳ bầu cử vào Hội đồng lập pháp của Hong Kong đã diễn ra hôm Chủ nhật, ngay thời điểm nhiều người dân có cảm tưởng rằng Bắc Kinh đang muốn tăng cường sự quản lý ở khu bán tự trị này, cả về chính trị, văn hóa và giáo dục.

Sau khi kiểm tra 90% phiếu bầu, có ít nhất 3 ứng cử viên ủng hộ tách rời với Bắc Kinh, có nhiều khả năng thắng.

Trong số đó có Nathan Law, 23 tuổi, người nổi bật trong phong trào Dù vàng hồi năm 2014. Khi đó, nhiều cuộc biểu tình lớn của phong trào này đã làm tê liệt nhiều khu phố ở Hong Kong.

“Người Hong Kong thật sự mong muốn thay đổi”, Nathan Law nói trong buổi kiểm phiếu, “Những người trẻ đều có cảm giác thúc bách đối với những vấn đề liên quan đến tương lai họ.”

Ứng viên thuộc phong trào Dù vàng Nathan Law, 23 tuổi (Nguồn: Dailymail.co.uk)

Hệ thống bầu cử Hong Kong đặc biệt phức tạp, làm cho khả năng phe dân chủ thắng thế vào Hội đồng Lập pháp LegCo gần như là khó khả thi. 35 trên 70 ứng cử viên được bầu theo đầu phiếu phổ thông trực tiếp. Nhưng mặt khác phân nửa số ghế sẽ được phân bổ theo một cơ chế phức tạp để bảo đảm gần như chắc chắn rằng số lượng ủng hộ thân Bắc Kinh sẽ chiếm đa số.

Rất nhiều người Hong Kong lo ngại những quyền tự do mà Hong Kong đang có khi ký thỏa thuận lúc trao trả, đang xói mòn dần. Vụ việc các hiệu sách ở đây biến mất sau khi cho đăng tải những bài báo bêu xấu tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc, để rồi một thời gian sau lại xuất hiện lại ở Trung Quốc là một ví dụ.

Theo nhà phân tích người Hong Kong Joseph Cheng, “cuộc bầu cử này có đặc trưng phần lớn là bởi sự thay đổi giữa các thế hệ lãnh đạo chính trị.”

Hong Kong đã được Anh trao trả cho Trung Quốc theo một nguyên lý nổi tiếng “một đất nước, hai chế độ” giúp đảm bảo cho nước này ít nhất đến năm 2047 có những quyền tự do riêng và một chế độ bán tự trị, chế độ mà thực tế không tồn tại ở Trung Quốc. Tuy nhiên, rất nhiều thanh niên Hong Kong tin rằng lời hứa hẹn này đã không được thực hiện.

Hôm Chủ nhật, các ứng viên tiếp tục cầm loa khuyến khích người dân đến bỏ phiếu để tránh việc LegCo bị nghiêng về phía nhóm thân Bắc Kinh. Với con số cử tri kỷ lục, một vài điểm bỏ phiếu mở cửa đến tận 02h30 sáng thứ Hai (18h30 GMT ngày Chủ nhật), muộn hơn 4 tiếng so với giờ đóng cửa dự kiến.

Người dân Hong Kong đi bỏ phiếu (Nguồn: Getty image)

Tại lần bầu cử cho Hội đồng Lập pháp LegCo cuối cùng vào năm 2012, tỷ lệ người tham gia đã tăng lên 53%.