Kazakhstan: Máy bay chở 98 người gặp tai nạn, 14 người thiệt mạng

(VOH) – Một chiếc máy bay của Kazakhstan với 98 người trên khoang đã bị rơi ngay sau khi cất cánh vào sáng thứ Sáu 27/12.

Vụ tai nạn làm chết ít nhất 12 người, 49 người khác bị thương, theo giới chức Kazakhstan.

Nguyên nhân vụ tai nạn đang được xác định với hai kịch bản để xem xét: một là do lỗi của phi công, hai là lỗi kỹ thuật, Phó Thủ tướng Kazakhstan Roman Sklyar cho biết.

Hiện trường vụ máy bay rơi ở Kazakhstan ngày 27/12. Ảnh: AP

Chiếc máy bay của hãng hàng không Bek Air đã đâm vào một hàng rào bê tông và một tòa nhà hai tầng ngay sau khi vừa cất cánh từ Almaty, thành phố lớn nhất và cũng là thủ đô cũ của Kazakhstan. Chính quyền địa phương ban đầu thông báo số người chết là 15 nhưng Bộ Nội vụ sau đó đã thông tin chỉ có 14 người chết.

Chiếc máy bay mất độ cao vào lúc 7 giờ 22 phút sáng (địa phương), sân bay quốc tế Almaty cho biết. Sân bay cho biết thêm trong một thông báo trên Facebook rằng không có đám cháy nào xảy ra sau vụ tai nạn và hoạt động cứu hộ đang được tiến hành. Có gần 1.000 người tham gia vào công tác cứu hộ tại vị trí máy bay rơi đang bị phủ đầy tuyết.

Gần 1.000 tham gia công tác cứu hộ tại khu vực đang bị tuyết bao phủ. Ảnh: AP

Video clip quay hiện trường cho thấy phía trước thân máy bay bị vỡ đập vào một tòa nhà và phía sau máy bay nằm trên cánh đồng cạnh sân bay. Máy bay đang trong hành trình đến thành phố Nur-Sultan.

Chiếc máy bay bị nạn là một chiếc Fokker-100, một máy bay phản lực cánh quạt đôi cỡ trung bình. Nó đã được sử dụng 23 năm qua và gần đây nhất được chứng nhận để hoạt động vào tháng 5/2019. Công ty sản xuất máy bay đã phá sản vào năm 1996 và việc sản xuất Fokker-100 đã dừng lại vào năm sau đó.

Tất cả các chuyến bay của Bek Air và tất cả máy bay Fokker-100 tại Kazakhstan đã bị đình chỉ trong khi chờ điều tra vụ tai nạn, chính quyền nước này cho biết.

Hồ sơ an toàn hàng không của Kazakhstan càng lúc càng cách xa viễn cảnh không tì vết. Vào năm 2009, tất cả các hãng hàng không của Kazakhstan trừ Air Astana đều đã bị cấm khai thác hoạt động tại liên minh châu Âu vì không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Lệnh cấm chỉ được dỡ bỏ trong năm 2016.