Kinh tế Đức đang sụt giảm với tốc độ nhanh chưa từng có

(VOH) - Theo số liệu chính thức được công bố mới đây, nền kinh tế hùng mạnh của Đức đang sụt giảm với tốc độ nhanh kỷ lục vì những ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19.

Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, toàn bộ hoạt động sản xuất và kinh doanh dịch vụ tại Đức đã sụt giảm đến 10,1%. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1970 đến nay.

Kinh tế Đức nói riêng và nhiều nước khác trên thế giới nói chung hiện nay đều đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19, khi các quy định về giãn cách xã hội, lệnh phong tỏa và hy sinh một số lợi ích kinh tế được chính phủ hầu hết các nước áp dụng để kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Cơ quan thống kê của Đức cho biết, đã có sự tuột dốc không phanh tại mảng sản xuất, đầu tư các mặt hàng điện gia đụng, thiết bị máy móc trong hoạt động xuất nhập khẩu - vốn là thế mạnh hàng đầu của kinh tế nước này.

Với 3,405 ngàn tỷ euro tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nước Đức có nền kinh tế đứng hàng thứ tư trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc) và lớn nhất châu Âu. Tính đến cuối năm 2019, Đức là một trong ba quốc gia xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Kinh tế nước Đức tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Thời gian qua thương mại thế giới bị đứt gãy, gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19 nên Đức là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề.

Kinh tế Đức đang sụt giảm với tốc độ nhanh chưa từng có

Thành tựu kinh tế 10 năm của Đức đã bị xóa sạch vì Covid-19. Ảnh: Yahoo News

Andreas Scheuerle, nhà kinh tế học tại DekaBank nhận xét sự suy giảm kỷ lục của kinh tế Đức gần như xóa sạch thành tựu kinh tế gần 10 năm của nền kinh tế lớn nhất châu Âu. "Đây thật sự là cuộc suy thoái thế kỷ. Điều mà những suy thoái thị trường chứng khoán hay cú sốc giá dầu trước đây cũng không làm được, nay thành sự thật chỉ bởi một loại virus 160 nano-mét", ông nói.

Ngoài Đức, một số trụ cột kinh tế khác của châu Âu cũng đã cho thấy số liệu ảm đạm trong quý vừa qua. Ngân hàng Lloyds, biểu tượng của khối ngân hàng nước Anh, báo cáo khoản lỗ 676 triệu bảng (877 triệu USD) trong quý II/2020 và 2,4 tỷ bảng (3,1 tỷ USD) để bù đắp các khoản nợ xấu.

Công ty dầu mỏ Hà Lan Royal Dutch Shell báo lỗ 18 tỷ USD sau sự cố sụp đổ giá dầu và khí đốt hồi tháng 4. Cổ phiếu Airbus, nhà sản xuất máy bay hàng đầu châu Âu liên tục chìm trong sắc đỏ bởi cú sốc của ngành hàng không.