Lãnh đạo Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản đối thoại với ông Joe Biden về nhiều vấn đề bao gồm đại dịch COVID-19

(VOH) – Các lãnh đạo trên thế giới có đối thoại với Joe Biden ngày 12/11 bao gồm vấn đề hợp tác, đại dịch COVID-19...,dù Tổng thốngTrump từ chối nhượng bộ gây phức tạp cho việc chuyển giao hậu bầu cử.

Trong các cuộc đối thoại với các đồng minh quan trọng tại châu Á, ông Biden có vẻ có ý định làm giảm bớt sự không chắc chắn của họ về một Washington ít can dự hơn, vốn đã hình thành trong suốt 4 năm theo cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” của Trump.

Trong cuộc điện đàm giữa Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kéo dài 14 phút, ông Biden đã tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Hàn Quốc và cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Seoul trong nỗ lực xóa bỏ bế tắc hạt nhân với Triều Tiên.

Văn phòng của Biden cho biết ông bày tỏ mong muốn củng cố liên minh Mỹ - Hàn Quốc với tư cách là "nền tảng của an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương." Biden cũng ca ngợi Moon về những thành tựu của Hàn Quốc trong chiến dịch chống dịch COVID-19 và thảo luận về hợp tác phục hồi kinh tế toàn cầu và về "lợi ích chung của các nước trong việc củng cố nền dân chủ".

Kang Min-seok, người phát ngôn của Tổng thống Moon, cho biết thêm các nhà lãnh đạo cũng đồng ý có thể sớm gặp nhau sau lễ nhậm chức của Biden vào ngày 20/1.

Tổng thống Moon Jae-in là người đã giúp thiết lập chính sách ngoại giao hạt nhân của Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong Un của Triều Tiên, hiện đang bị đình trệ vì những bất đồng trong việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như các bước giải giáp vũ khí của Triều Tiên.

Tuy nhiên Seoul cũng đã vất vả với một Tổng thống Mỹ không theo một quy luật nào khi Trump liên tiếp phàn nàn về chi phí duy trì 28.500 binh lính Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc. Thỏa thuận chia sẻ chi phí này đã hết hạn năm 2019 và hai bên đã không thống nhất được cho phương án thay thế.

 

Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ảnh: AP

Còn với cuộc đối thoại với Thủ tướng Australia Scott Morrison, ông Morrison đã có lời mời ông Biden đến Australia vào năm sau nhân kỷ niệm 70 năm hai nước ký kết hiệp ước phòng thủ chung. Morrison nói rằng ông và Biden trong cuộc điện đàm đã tỏ rõ sự cam kết củng cố quan hệ đồng minh song phương.

Biden cho biết ông mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Morrison “về nhiều thách thức chung, bao gồm việc ngăn chặn đại dịch COVID-19 và bảo vệ chống lại các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu trong tương lai; đối đầu với biến đổi khí hậu; đặt nền móng cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu; tăng cường nền dân chủ và duy trì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương an toàn và thịnh vượng”, theo văn phòng của ông.

Australia sẽ tham gia cuộc tập trận quy mô lớn với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ trong tháng này, lần đầu tiên kể từ năm 2007.

Australia đã rút khỏi cuộc tập trận thường niên Malabar sau đợt tập trận năm 2007 vì lo ngại về quan hệ với Trung Quốc. Nhưng quan hệ giữa Australia và đối tác thương mại lớn nhất của nước này đã xấu đi kể từ đó, với việc Bắc Kinh từ chối nhận cuộc gọi từ các bộ trưởng của chính phủ Australia.

Thủ tướng Nhật bản Yoshihide Suga. Ảnh: AP

Thủ tướng Nhật bản Yoshihide Suga cũng đã điện đàm với ông Biden, trong đó ông tái khẳng định tầm quan trọng của liên minh hai nước và đồng ý làm sâu sắc hơn mối quan hệ này để đối mặt với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Chúng tôi đã có một cuộc điện đàm rất có ý nghĩa vì tôi sẽ làm việc với Tổng thống đắc cử Biden để thúc đẩy các biện pháp tăng cường liên minh Nhật - Mỹ”, Suga nói với các phóng viên sau khi nói chuyện với Biden qua điện thoại khoảng 15 phút.

Văn phòng của ông Biden tiết lộ hai nhà lãnh đạo đã bàn về các cam kết chung để ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường nền dân chủ trên thế giới và thắt chặt hơn liên kết đồng minh Mỹ - Nhật “như là nền tảng của một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thịnh vượng và an toàn”.

Suga cho biết ông nói với Biden rằng Nhật Bản muốn theo đuổi một “Ấn Độ - Thái Bình Dương Tự do và Mở”, một tầm nhìn mà họ đã và đang thúc đẩy với Mỹ để đưa các quốc gia “cùng chí hướng” vào khu vực, bao gồm Australia, Ấn Độ và Đông Nam Á. các nước có chung quan ngại về Trung Quốc.

Trung Quốc đã xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông và đang thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của mình đối với hầu như tất cả các nguồn lợi thủy sản và đường thủy quan trọng của khu vực. Nhật Bản lo ngại về yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, ở Biển Hoa Đông.

Trung Quốc đã phủ nhận họ theo chủ nghĩa bành trướng và nói rằng họ chỉ đang bảo vệ các quyền lãnh thổ của mình.

Suga cho biết Biden đã trấn an ông rằng Washington cam kết bảo vệ quyền lãnh thổ của Nhật Bản đối với Senkaku theo hiệp ước an ninh song phương trong trường hợp xảy ra đụng độ quân sự.