Mỹ phát lệnh trừng phạt một viện nghiên cứu của Nga

(VOH) – Washington đã ban hành lệnh trừng phạt đối với một viện nghiên cứu của Nga vì phát triển chương trình nguy hiểm có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp nước này.

Trong thông cáo đưa ra ngày 23/10, Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Viện Nghiên cứu Khoa học Trung ương về Hóa học và Chế tạo máy của Chính phủ Nga - hay được biết đến với tên viết tắt tiếng Nga là TsNIIKhM - phải chịu trách nhiệm về việc “xây dựng các công cụ tùy chỉnh nhằm kích hoạt tấn công” vào một cơ sở hóa dầu ở Trung Đông vào năm 2017. Nhiều ý kiến khẳng định công cụ mà Mỹ nhắc đến chính là mã độc Triton. Tuy nhiên, Mỹ không cáo buộc viện nghiên cứu này tạo ra Triton hay phát động cuộc tấn công vào năm đó.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, trong những năm gần đây, phần mềm độc hại Triton đã được triển khai chống lại các đối tác của Washington ở Trung Đông và các tin tặc phát triển phần mềm độc hại này đã được báo cáo là đang thăm dò các cơ sở của Mỹ. 

Theo lệnh trừng phạt mà Bộ Tài chính Mỹ công bố, tất cả tài sản của TsNIIKhM trên đất Mỹ đều bị phong tỏa và người Mỹ nói chung bị cấm tham gia vào các giao dịch với viện này. Ngoài ra, những cá nhân từ các quốc gia khác tham gia vào một số giao dịch nhất định với TsNIIKhM cũng có thể bị trừng phạt.

Mỹ phát lệnh trừng phạt một viện nghiên cứu của Nga
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin: "Chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia khỏi bất kỳ mối đe dọa nào." Ảnh: Reuters

Vào thời điểm công khai cuộc tấn công năm 2017, sự kiện đã làm dậy sóng cộng đồng an ninh mạng. Không giống như các cuộc xâm nhập thông thường nhằm đánh cắp dữ liệu hoặc đòi tiền chuộc, cuộc tấn công nói trên lại nhằm mục đích gây ra thiệt hại vật chất cho chính cơ sở đó bằng cách vô hiệu hóa hệ thống an toàn.

Nathan Brubaker, nhà nghiên cứu thuộc công ty an ninh mạng FireEye - đơn vị đã phát hiện ra phần mềm có liên quan trong sự kiện trên - cho rằng điểm mấu chốt khiến cuộc tấn công này trở nên nguy hiểm vì việc vô hiệu hóa hệ thống an toàn tại một nhà máy hóa dầu như vậy có thể gây nên các hậu quả vô cùng nghiêm trọng, chẳn hạn như hỏa hoạn, cháy nổ và kéo theo thiệt hại to lớn về người. Bộ Tài chính Mỹ năm ngoái cũng cho biết những cá nhân và tổ chức đứng sau phần mềm phá hoại này cũng đã bị phát hiện đang tiến hành quét và thăm dò các lỗ hổng tại ít nhất 20 công ty điện lực tại Mỹ.

Về phía Nga, nước này cho rằng động thái áp đặt lệnh trừng phạt của Mỹ là bất hợp pháp.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov phát biểu trên các nền tảng mạng xã hội: “Một lần nữa chúng tôi khẳng định bất kỳ việc áp đặt trừng phạt hay hạn chế nào mang tính một chiều đều bất hợp pháp và không được công nhận. Nước Nga không giống như Mỹ, không tiến hành các cuộc tấn công trên không gian mạng. Chúng tôi kêu gọi Mỹ hãy từ bỏ các cáo buộc vô căn cứ của mình.”

Trong suốt một tháng qua, các quan chức Mỹ đã nộp một loạt các cáo trạng chống lại hoạt động của tin tặc từ Nga, Trung Quốc và Iran, trong đó có cả áp dụng lệnh trừng phạt và đưa ra một số cảnh báo về các cuộc xâm nhập trên nền tảng kỹ thuật số mà Mỹ cho rằng do chính phủ các nước nói trên hậu thuẫn.

Các chuyên gia xem động thái này của Mỹ là lời cảnh báo đến các quốc gia có tư tưởng đối nghịch không can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần lễ nữa.