Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt bất kỳ nước nào mua dầu của Iran

(VOH) - Mỹ sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia nào mua dầu của Iran, hoặc có hoạt động kinh doanh với Lực lượng vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Thông tin trên được bà Sigal Mandelker - Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề về khủng bố và tình báo tài chính thuộc Bộ Tài Chính Mỹ cho biết. Bà cũng tuyên bố sẽ không có bất kỳ ngoại lệ nào đối với lệnh cấm trên.

Xuất khẩu dầu thô ở Iran đã giảm hơn 80% do lệnh trừng phạt của Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 với các quốc gia cường quốc thế giới vào năm ngoái.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục gây áp lực với Iran và như Tổng thống (ông Trump) cho biết sẽ không có bất kỳ ngoại lệ nào đối với dầu Iran,” bà Sigal Mandelker nói với các phóng viên.

Bà Mandelker cũng nói thêm rằng doanh số bán dầu của Iran đã “sụt giảm nghiêm trọng” do áp lực của Mỹ.

Kể từ khi từ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vì cho rằng nó chỉ có lợi cho Iran, Tổng thống Trump đã áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm bóp nghẹt ngành thương mại dầu mỏ - vốn rất quan trọng với Iran và buộc Tehran phải chấp thuận các giới hạn nghiêm ngặt hơn đối với hoạt động hạt nhân của họ, đồng thời hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo của họ ở Trung Đông.

Để trả đũa, Iran đã nâng các giới hạn của thỏa thuận kể từ tháng 5 năm nay, gây áp lực buộc các nước châu Âu phải ký hiệp ước để bảo vệ lợi ích và nền kinh tế của Tehran. Trong đó, Pháp đã đề nghị cung cấp cho Iran khoảng 15 tỷ USD  tín dụng cho đến cuối năm nay nếu Tehran hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nếu như Washington không phản đối, theo các nguồn tin phương Tây và Iran cho biết.

Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt bất kỳ nước nào mua dầu của Iran

Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt bất kỳ nước nào mua dầu của Iran và không có ngoại lệ (Ảnh: Reuters)

Ngoài việc cứu vãn thỏa thuận, Tehran còn muốn bắt đầu bán lại dầu của mình.

Hai quan chức và một nhà ngoại giao Iran phát biểu với hãng tin Reuters vào ngày 25/8 rằng Iran muốn xuất khẩu tối thiểu 700.000 thùng dầu và lý tưởng hơn là 1,5 triệu thùng mỗi ngày nếu phương Tây muốn đàm phán với Tehran để cứu thỏa thuận hạt nhân.

Hôm Chủ nhật (8/9), Iran cho biết siêu tàu chở dầu của họ (tàu Adrian Darya 1 - bị Anh bắt giữ ngoài khơi Gibraltar hồi tháng 7 vì bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của EU đối với Syria và được thả ra vào giữa tháng 8), đã dỡ dầu sau khi neo thuyền ở một nơi nào đó ở khu vực Địa Trung Hải.

Tháng trước, siêu tàu chở dầu này đã bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách đen, tuy nhiên con tàu đã rời khỏi Syria vào tuần trước. Hình ảnh của con tàu được chụp bởi vệ tinh ngoài cảng Tartus của Syria.

“Chuyện này không chỉ là về tàu chở dầu. Nó là một lời cảnh báo đối với bất kỳ công ty nào trên thế giới,” bà Mandelker nói. “Các công ty và chính phủ Mỹ hiểu rằng việc lựa chọn giữa làm ăn với Iran hoặc kinh doanh với Mỹ không cần phải đắn đo suy nghĩ nhiều.”

Vào ngày 3/9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, Tehran sẽ không bao giờ tiến hành các cuộc đàm phán song phương với Mỹ, nhưng nếu Mỹ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt mà Iran đã phản đối, đất nước Hồi giáo có thể tham gia các cuộc đàm phán đa phương với các bên khác trong thỏa thuận hạt nhân.