Nhà máy năng lượng hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới của Nga chuẩn bị vượt đại dương

(VOH) - Nga chuẩn bị cho trạm năng lượng hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới vượt 3.000 hải lý ở Bắc Băng Dương từ cảng Murmansk đến cảng Chukotka ở phía đông.

Cơ quan hạt nhân nguyên tử quốc doanh Rosenergoatom cho biết tàu Akademik Lomonosov - nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Nga và trên thế giới có nhiệm vụ đảm bảo cung cấp năng lượng đến các khu vực hẻo lánh và xa xôi tại Bắc Cực. Một trong những nơi trọng điểm trong danh sách này là khu phức hợp mỏ Chaun-Bilibin - gồm cả mỏ vàng - tại Chukotka. Ngoài ra, nhà máy năng lượng hạt nhân nổi này còn có nhiệm vụ cung cấp điện cho các giàn khoan dầu của Nga ở ngoài khơi Bắc Cực.

Nhiều ý kiến còn cho biết nhà máy năng lượng hạt nhân này còn giúp sản xuất muối, nước ngọt và cung cấp cho các quốc đảo trong khu vực.

Tuyến đường biển băng qua Bắc Băng Dương kết nối Nga phần lãnh thổ thuộc châu Âu với các cảng biển khu vực bờ viễn đông được dự báo sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai vì được "mở đường" bởi hiện tượng băng tan do nóng dần lên toàn cầu đang ngày càng gia tăng.

Lần nhổ neo vượt đại dương này của tàu diễn ra chỉ hai tuần sau vụ nổ thử nghiệm động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu hạt nhân ngoài khơi bờ biển Arkhangelsk khiến 5 chuyên gia kỹ thuật thiệt mạng.

Nhà máy năng lượng hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới của Nga đang neo đậu tại cảng biển ở thành phố Murmansk (Ảnh: Reuters)

Tàu Akademik Lomonosov dài 144m, cao 30m, nặng 21.000 tấn, chứa 2 lò phản ứng có công suất 35 megawatt mỗi lò, tương tự các động cơ dùng trên tàu phá băng. Tàu dự kiến sẽ cập cảng Pevek, Chukotka vào cuối tháng 9 năm nay. Trong điều kiện thời tiết tốt, con tàu sẽ di chuyển được với vận tốc từ 7 - 9km/h.

Trước đó, tàu Akademik Lomonosov bị gán cho các biệt danh như “Titanic hạt nhân” và “Chernobyl nổi”, gợi nhắc tới một vụ chìm tàu và một vụ nổ nhà máy điện hạt nhân tai tiếng trong lịch sử.

Có những cảnh báo rằng những tàu nổi này có thể gây ra mối đe dọa đáng sợ đối với môi trường, vốn đã chịu sức ép rất lớn từ hiện tượng biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, các nhà máy điện hạt nhân nổi còn bị cho là không đủ sức chống chọi với sóng thần và lốc xoáy. Mặc dù cho đến nay, sóng thần chưa đánh chìm bất kỳ tàu nào chứa lò phản ứng hạt nhân, song chúng từng gây thiệt hại nặng nề cho nhà máy điện hạt nhân đặt ở ven biển tại Fukushima, Nhật Bản.

Giới chuyên gia môi trường cũng lo ngại các nhà máy điện hạt nhân nổi có thể gặp các vấn đề liên quan tới khủng bố, các tảng băng dày hay rác thải hạt nhân.