Nhật Bản: Máy nhắn tin chính thức hoàn thành sứ mệnh lịch sử

(VOH) - Từng là vật dụng không thể thiếu với tất cả mọi người vài chục năm về trước, đến ngày hôm nay, máy nhắn tin và dịch vụ đi kèm đã chính thức nói lời chia tay với người dùng tại Nhật Bản.

Công ty duy nhất còn lại cung cấp dịch vụ nhắn tin qua máy nhắn tin tại Nhật Bản là Tokyo Telemessage thông báo chính thức đóng cửa hoạt động này kể từ hôm nay ngày 1/10.

Cho đến thời điểm bị khai tử, vẫn còn khoảng 1.500 người dùng trung thành sử dụng dịch vụ nhắn tin này, đa phần trong số họ là những người làm trong ngành y tế với lý do được đưa ra là dùng máy nhắn tin trong các tòa nhà hay bệnh viện hoàn toàn ổn dù sóng điện thoại tại những khu vực này chỉ có 1 - 2 vạch

Vào chủ nhật cuối tuần qua, một công ty sự kiện tại Tokyo đã sắp xếp một ngôi lều gần khu vực nhà ga tàu điện, nơi mọi người có thể đến để đặt hoa và bày tỏ sự trân trọng đối với sự cống hiến của pokeberu (hay còn gọi là pocket bell hoặc pager - máy nhắn tin).

Tại Nhật Bản, máy nhắn tin đã tạo nên cơn sốt chưa từng có vào giữa những năm 90 và không khó để nhận ra lý do vì sao.

Ở quốc gia mà người dân tốn hàng giờ mỗi ngày để di chuyển trên phương tiện giao thông công cộng, chưa kể việc dùng điện thoại di dộng ở văn phòng là việc không được khuyến khích, thì máy nhắn tin là là phương tiện hữu hiệu để giữ liên lạc với gia đình và bạn bè một cách kín đáo, lịch sự.

Máy nhắn tin tại Nhật Bản còn được yêu thích bởi việc dùng chữ số kiểu Nhật để nhắn tin rất phù hợp với kiểu hiển thị của máy nhắn tin, đây là một dạng giống như từ lóng trong giới trẻ Nhật Bản thời bấy giờ. Ví dụ, để nói cảm ơn, bạn không cần phải gõ cảm ơn bằng tiếng Nhật, thay vào đó là "999" (Sankyu/Thank you) là được. Ngoài ra, bạn có thể thể hiện thông điệp yêu thương bằng cách gõ "114164" (We love you). Bên cạnh đó, với tính kỷ luật và tỷ lệ tội phạm tương đối thấp, không phải lo ngại ai đó xem trộm máy nhắn tin.

Những chiếc máy nhắn tin như thế này đã hoàn thành sứ mệnh tại Nhật Bản. Ảnh: BBC

Ít ai biết rằng, dịch vụ máy nhắn tin lần đầu được giới thiệu tại Nhật vào năm 1968 bởi Nippon Telegraph và Telephone Public Corporation. Sau đó là những công ty viễn thông khác như NTT và Docomo.

Cơn sốt máy nhắn tin đạt đỉnh điểm vào năm 1996, khi Bộ Nội vụ và Truyền thông cho biết đã có khoảng 10,6 triệu hợp đồng cho dịch vụ này tại Nhật Bản. Tuy nhiên, thời kỳ đỉnh cao của máy nhắn tin không kéo dài lâu trước sự phát triển thần tốc của công nghệ và sự xuất hiện của những chiếc smartphone (điện thoại thông minh) nhỏ gọn và đầy tính năng hấp dẫn.

Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi hoàn thành sứ mệnh và không còn phù hợp với đời sống hiện đại nữa, công nghệ nhắn tin này sẽ được chuyển giao cho những cơ quan phản ứng thiên tai. Sự thoái trào của công nghệ cũ là điều tất yếu, tuy nhiên nhiều người dân Nhật vẫn chưa vứt bỏ chiếc máy nhắn tin cũ kỹ, họ giữ chúng lại như một kỷ vật chứa đựng vô số hồi ức.

Dù là một trong những cường quốc công nghệ trên thế giới với hàng loạt gã khổng lồ như Nintendo, Panasonic hay Sony, song người Nhật lại không vội vàng trong việc tiếp nhận những cải tiến công nghệ mới nhất. Với họ, những thói quen truyền thống đôi khi mới là điều trường tồn. Năm 2015, hãng thông tấn BBC cho biết máy fax và máy cát-sét băng vẫn rất phổ biến ở xứ sở Mặt trời mọc. Và chỉ mới năm ngoái đây, Bộ trưởng An ninh mạng Nhật Bản Yoshitaka Sakurada cũng từng gây xôn xao khi thừa nhận ông chưa bao giờ sử dụng máy vi tính.

Một quốc gia khác hiện vẫn dùng máy nhắn tin với số lượng khoảng 130.000 máy là Anh. Cũng giống như Nhật Bản, phần nhiều người sử dụng máy nhắn tin hiện tại là những người làm trong ngành y tế và sử dụng chủ yếu trong bệnh viện. Tuy nhiên, Anh cho biết nước này cũng sẽ khai tử dịch vụ này vào năm 2021.