Nước Pháp tê liệt vì tổng đình công lớn nhất trong nhiều năm qua

(VOH) - Một cuộc tổng đình công quy mô lớn nhất trong vòng nhiều năm qua đang diễn ra tại Pháp, đẩy nước này vào tình thế gần như tê liệt mọi hoạt động trong sản xuất và giao thông.

Nguyên nhân của cuộc tổng đình công lần này được cho là bắt nguồn từ cải cách hưu trí mà chính phủ của ông Emmanuel Macron đang dự định thực thi. Theo đó, Pháp sẽ xoá bỏ hơn 40 chế độ hưu trí khác nhau trong các ngành nghề để xây dựng một chế độ hưu trí tổng thể duy nhất cho tất cả mọi người lao động. Nếu được thực hiện, sẽ có rất nhiều lao động bị “ép buộc” tăng tuổi nghỉ hưu hoặc mức trợ cấp hưu trí bị giảm đáng kể.

Cải cách này cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ một số ngành nghề được hưởng chế độ đặc biệt như giáo dục và vận tải. Đây cũng là hai ngành sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu như cải cách hưu trí được tiến hành. Vào ngày 5/12, nhiều trường học và hệ thống giao thông công cộng trên toàn nước Pháp đã đồng loạt đóng cửa, hưởng ứng tổng đình công.

Bên cạnh đó, nhiều người thuộc các ngành nghề khác trong xã hội như cảnh sát, luật sư, y tế và hàng không cũng tham gia tuần hành phản đối cải cách mới của chính phủ. Ước tính số người xuống đường đình công lên đến hàng triệu người.

Nước Pháp tê liệt vì tổng đình công lớn nhất trong nhiều năm qua

Một áp phích với dòng chữ kêu gọi nước Pháp đình công vào ngày 5/12. Ảnh: Reuters

Tại thủ đô Paris, khoảng 90% các chuyến tàu và xe buýt công cộng đã ngừng hoạt động. Tình hình bên ngành giáo dục cũng không khả quan hơn với khoảng 50-70% số giáo viên trên cả nước đình công. Ngoài ra, nhiều hãng hàng không Pháp cũng đã đồng loạt hủy chuyến, trong đó có cả các hãng hàng không lớn như AirFrance hay EasyJet.

Nước Pháp tê liệt vì tổng đình công lớn nhất trong nhiều năm qua

Trong lịch sử, Pháp từng diễn ra cuộc tổng đình công tương tự vào năm 1995, kéo dài đến 3 tuần lễ. Người dân Pháp đồng loạt ngừng làm việc, cùng xuống đường phản đối cải cách hưu trí. Ảnh: AFP

Nhằm đối phó với quy mô của các cuộc tuần hành, Pháp sẽ huy động một lực lượng lớn cảnh sát, an ninh và lính cứu hoả để đối phó. Chính quyền thành phố Paris cũng đã yêu cầu tất cả các hộ kinh doanh dọc trên các tuyến đường có người tuần hành đóng cửa trong ngày 5/12, đồng thời gia cố các cửa hiệu nhằm tránh nguy cơ bị đập phá, cướp bóc.