Phát hiện rạn san hô khổng lồ cao hơn nhiều tòa nhà chọc trời nổi tiếng thế giới

(VOH) - Một rạn san hô khổng lồ chưa từng thấy trong vòng hơn 100 năm qua vừa được các nhà khoa học phát hiện tại mũi phía bắc của quần thể san hô Great Barrier ở Australia.

Với độ cao “khủng” lên đến 500m, rạn san hô khổng lồ mới được tìm thấy cao hơn một số tòa nhà chọc trời nổi tiếng thế giới như tòa nhà Empire State ở Mỹ (381m) và cả tòa tháp đôi từng cao nhất thế giới Petronas ở Malaysia (452m).

Tuần trước, khi đang trong quá trình nghiên cứu kéo dài 12 tháng về đại dương và lập bản đồ 3D về đáy biển, một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Đại dương Schmidt (SOI) có trụ sở ở California, Mỹ đã bất ngờ khám phá ra rạn san hô khổng lồ này.

Các nhà khoa học đã sử dụng một robot dưới biển tên SuBastian để khám phá rạn san hô, sau đó đăng tải video thu được lên YouTube.

Phát hiện rạn san hô khổng lồ cao hơn nhiều tòa nhà chọc trời nổi tiếng thế giới
Robot SuBastian đảm nhiệm việc khám phá và thu thập dữ liệu về rạn san hô khổng lồ mới được tìm thấy ở quần thể san hô Great Barrier, Australia. Ảnh: Viện Đại dương Schmidt

Rạn san hô mới được phát hiện có nền rộng khoảng 1,5km, cao hơn 500 mét từ đáy biển, với phần chóp của nó chỉ nằm dưới bề mặt nước 40 mét. Cấu trúc này hơi bị cô lập, hoặc có thể gọi là "tách rời" khỏi các rạn san hô chính, tham gia vào một nhóm gồm 7 rạn san hô tách rời tương tự khác trong khu vực, được xác định vào cuối những năm 1800.

Rạn san hô mới phát hiện được hình thành từ sự phát triển của nhiều thế hệ san hô kế tiếp. Trong đó, thế hệ đầu tiên gắn vào nền đá dưới đáy biển tạo thành nền móng. Những thế hệ tiếp theo lần lượt phát triển phía trên và qua hàng ngàn năm đã hình thành cấu trúc khổng lồ như chúng ta thấy ngày nay.

Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục khảo sát khu vực phát hiện rạn san hô mới ở phía bắc Great Barrier cho đến ngày 17/11.

“Khám phá bất ngờ này khẳng định rằng chúng ta sẽ tiếp tục tìm thấy các cấu trúc chưa được biết đến và các loài mới trong đại dương”, Wendy Schmidt, đồng sáng lập Viện Đại dương Schmidt cho biết. 

“Sự hiểu biết của chúng ta về những gì trong đại dương từ lâu đã quá hạn chế. Nhờ các công nghệ mới, khả năng khám phá của con người đã được mở rộng hơn bao giờ hết. Các cảnh quan đại dương mới đang mở ra cho chúng ta, tiết lộ các hệ sinh thái và các dạng sống đa dạng đang cùng chia sẻ hành tinh với con người”, Schmidt nói.

Còn đối với Giám đốc điều hành SOI - Tiến sĩ Jyotika Virmani thì việc tìm ra một rạn san hô cao tới nửa cây số ở quần thể san hô Great Barrier nằm ngoài khơi biển Cape York đã cho thấy thế giới còn ẩn chứa biết bao điều bí ẩn mà chúng ta chưa nhận ra.

“Việc kết hợp hiệu quả giữa dữ liệu phân tích bản đồ và hình ảnh dưới nước sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về rạn san hô mới này và vai trò của nó trong quần thể san hô nổi tiếng Great Barrier”, ông Virmani chia sẻ.

Video về rạn san hô khổng lồ mới được phát hiện. Nguồn: Viện Đại dương Schmidt

Quần thể san hô Great Barrier là rạn san hô lớn nhất thế giới, nơi tập trung của hơn 1.500 loài cá, 411 loài san hô vỏ cứng và hàng chục loài động thực vật khác.

Trải dài trong khu vực lên đến 2.300 km, Great Barrier được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1981 vì “giá trị và tầm quan trọng cực lớn đối với đa dạng sinh học trên thế giới và các công trình nghiên cứu khoa học.”

Tuy nhiên vào những năm gần đây, quần thể san hô rộng lớn này đang phải chịu những tác động tiêu cực và bị phá hủy nghiêm trọng vì tình trạng biến đổi khí hậu. Nhiệt độ nước biển tăng dần lên đã giết chết nhiều loài san hô, rất nhiều loài động thực vật đã phải phân tán tìm nơi sinh tồn khiến hệ đa dạng sinh học tại đây bị tàn phá nặng nề. Ngoài ra đây còn là điều kiện cho tảo và một số chất gây ô nhiễm khác sinh sôi trong khu vực.

Một nghiên cứu mới được công bố vào đầu tháng này cho biết quần thể san hô Great Barrier đã mất hơn một nửa số lượng san hô kể từ năm 1995 vì nước biển ấm dần lên.