Phụ nữ Nhật Bản phản đối quy định đi giày cao gót đến nơi làm việc

(VOH) - Khoảng 19.000 người đã ký tên vào một bản kiến nghị kêu gọi Nhật Bản bỏ quy định bắt buộc phụ nữ đi giày cao gót đến nơi làm việc để tránh ảnh hưởng sức khỏe.

Một nhóm phản đối phân biệt giới nơi công sở hôm qua nộp đơn kiến nghị lên Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, kêu gọi Chính phủ cấm các công ty ép phụ nữ phải đi giày cao gót đi làm. Đơn kiến nghị được 18.856 phụ nữ ký và là một phần của phong trào #KuToo do nữ diễn viên kiêm nhà văn 32 tuổi Yumi Ishikawa khởi xướng, theo trang tin tức Kyodo News.

Phong trào bắt đầu hồi tháng 1/2019, khi Ishikawa chia sẻ trên Twitter về việc cô phải mang giày cao gót tại nhà tang lễ lúc làm thêm. #KuToo được ghép từ phong trào phản đối quấy rối phụ nữ trên toàn cầu #MeToo với 2 từ tiếng Nhật “kutsu” (giày) và “kutsuu” (đau).

Phụ nữ Nhật Bản phản đối quy định đi giày cao gót đến nơi làm việc

Nữ diễn viên kiêm nhà văn Yumi Ishikawa, người khởi xướng phong trào #KuToo (Ảnh: Twitter)

Việc trình đơn kiến nghị trùng với thời điểm các công ty ở Nhật Bản bắt đầu tuyển dụng cử nhân vào làm việc và những người ủng hộ chiến dịch trên cho hay việc đi giày cao gót là quy định bắt buộc khi ứng tuyển. 

Một quan chức thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản xác nhận đây là lần đầu tiên bộ này nhận được “nhiều tiếng nói” yêu cầu cấm quy định buộc phụ nữ mang giày cao gót.

Phụ nữ Nhật Bản phản đối quy định đi giày cao gót đến nơi làm việc

Hashtag #KuToo được sử dụng bởi các phụ nữ muốn nói về trải nghiệm của mình trên mạng xã hội (Ảnh: Twitter)

Phong trào #KuToo ở Nhật Bản tiếp bước một chiến dịch tương tự ở Anh năm 2016, khi hơn 100.000 người kí tên vào một bản kiến nghị kêu gọi cấm các công ty yêu cầu phụ nữ phải đi giày cao gót ở nơi làm việc.

Trong những năm gần đây, các chiến dịch như #MeToo đã đưa bình đẳng giới trở thành một vấn đề tâm điểm của xã hội ở Nhật Bản. Nước này đứng thứ 110 trong số 149 nước trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá về mức độ bình đẳng giới.

Nhật Bản còn xếp hạng chót trong số các nước G7 về bình đẳng giới, mặc dù Thủ tướng Shinzo Abe đã thực hiện nỗ lực tăng cường quyền lợi cho các nữ lao động ở nước này qua một chính sách có tên “phụ nữ kinh tế”.