Quốc hội Iraq thông qua luật bầu cử mới

(VOH) – Quốc hội Iraq vừa thông qua một điều luật bầu cử mới ngày 24/12, nhằm mục đích cho các cá nhân độc lập chính trị một cơ hội tốt hơn để giành ghế trong quốc hội.

Luật mới này thay đổi phân chia 18 tỉnh của quốc gia này thành một số quận bầu cử, với số lượng một nhà lập pháp được bầu trên 100.000 người.

Luật mới cũng ngăn chặn tình trạng chạy vị trí trong danh sách, là cách mà trước kia từng giúp các đảng dễ dàng chiếm trọn số ghế tại một tỉnh. Thay vào đó, các vị trí sẽ được trao cho người nào được bầu chọn nhiều nhất trong quận bầu cử.

Biểu tình tiếp diễn ở Iraq trong ngày lễ Giáng Sinh. Ảnh: AP

Dự thảo luật bầu cử mới là yêu cầu chính của hàng trăm ngàn người biểu tình đã xuống đường ở Baghdad, chủ yếu là người Shiite ở phía nam kể từ ngày 1/10. Họ đã buộc Thủ tướng Adil Abdul-Mahdi phải từ chức sau đó, trong tháng 11.

Lực lượng an ninh Iraq đã thường xuyên phải đáp trả làn sóng người biểu tình bằng sức mạnh, khiến ít nhất 400 người thiệt mạng.

Vẫn chưa rõ rằng điều luật mới này có đủ thỏa mãn yêu cầu của phong trào phản đối đang diễn ra hay không. Người biểu tình vẫn hô khẩu hiệu tại khu vực quảng trường Tahrir, là điểm nóng của phong trào. Nhưng đến nay vẫn chưa có thông cáo nào được đề xuất từ phía người biểu tình.

Họ đang yêu cầu thủ tướng tiếp theo là người độc lập về chính trị, và nói họ sẽ không chấp nhận bất kỳ ứng viên nào được chống lưng bởi các tổ chức chính trị mà họ chỉ trích là nguồn gốc của tham nhũng, của cung cấp các dịch vụ tệ hại và gây ra tình trạng thiếu việc làm.

Giống như luật trước đây, luật mới phân bổ ít nhất một phần tư số ghế của quốc hội cho phụ nữ. Ngoài ra, một hạn ngạch cũng được dành riêng cho các nhóm tôn giáo thiểu số của đất nước, bao gồm Kitô hữu và Yazidis.

Hầu hết người Kurd và một số nhà lập pháp Ả Rập Sunni đã tẩy chay cuộc họp hôm thứ Ba để phản đối việc thay đổi luật.

Tháng trước, lãnh tụ tối cao tôn giáo Shia ở Iran, ông Ayatollah Ali al-Sistan, nhấn mạnh sự ủng hộ của ông dành cho những người biểu tình. Ông kêu gọi đưa ra một luật bầu cử mới sẽ khôi phục niềm tin của công chúng vào hệ thống và cho cử tri cơ hội để đưa "những gương mặt mới" lên nắm quyền.