Quốc hội Thái Lan bỏ phiếu lựa chọn các đề xuất thay đổi Hiến pháp

(VOH) – Các thành viên quốc hội Thái Lan ngày 18/11 đã bỏ phiếu về các lựa chọn thay đổi hiến pháp, trong đó hầu hết đều phản đối yêu cầu của những người biểu tình về một đề xuất thay đổi nền quân chủ

Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau nhiều ngày biểu tình bạo lực nhất gần đây kể từ khi phong trào nổ ra hồi tháng 7, với việc người biểu tình tìm kiếm một sự thay đổi trong Hiến pháp, để loại bỏ Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha và cải tổ chế độ quân chủ của Nhà vua Maha Vajiralongkorn.

Những người ủng hộ ông Prayuth chiếm đa số trong quốc hội, nơi toàn bộ thượng viện được bổ nhiệm bởi chính quyền mà ông lãnh đạo sau cuộc đảo chính năm 2014.

Đụng độ giữa phe bảo hoàng (áo vàng) và người biểu tình đòi cải cách bên ngoài tòa nhà quốc hội tại Bangkok (Thái Lan) ngày 17/11. Ảnh: Reuters

Chỉ duy nhất một trong bảy đề xuất cải cách hiến pháp có đề nghị khả năng cho phép sửa đổi vai trò của chế độ quân chủ, mà những người phản đối cho rằng đã tạo ra sự thống trị của quân đội trong nhiều thập kỷ ở quốc gia Đông Nam Á. Đề xuất này đến từ nhóm nhân quyền iLaw.

Chính phủ cho biết họ sẵn sàng sửa đổi hiến pháp nhưng không động đến chế độ quân chủ.

Việc bỏ phiếu cá nhân cho từng đề xuất của 487 thành viên quốc hội và 245 nghị sĩ được dự kiến mất vài giờ.

Cảnh sát liên tục sử dụng hơi cay và vòi rồng để cố gắng đẩy lùi những người biểu tình, những người cuối cùng đã vượt qua được hàng rào để đến cổng tòa nhà quốc hội. Những người biểu tình cũng xô xát với những người biểu tình khác mặc áo vàng theo chủ nghĩa bảo hoàng.

Trung tâm Y tế Erawan ở Bangkok cho biết ít nhất 55 người bị thương, 32 người bị ảnh hưởng bởi hơi cay và 6 người bị thương do đạn bắn.

Cảnh sát cho biết họ xác nhận có hai trường hợp bị thương do đạn, một người thuộc nhóm biểu tình phản đối quân chủ và một thuộc nhóm bảo hoàng, và đang tiến hành điều tra.

Một cuộc biểu tình khác sẽ diễn ra vào thứ Tư gần với trụ sở cảnh sát ở trung tâm Bangkok.

Trong số các cải cách hiến pháp đang được thảo luận cũng có kiến nghị về vị trí của các thượng nghị sĩ. Những người chỉ trích chính phủ nói rằng họ đã đảm bảo Prayuth giữ quyền lực sau cuộc bầu cử năm ngoái. Ông nói rằng cuộc bỏ phiếu là công bằng và đã từ chối những lời kêu gọi từ chức.

Hoàng gia đã không bình luận về các yêu cầu cải cách đối với chế độ quân chủ sẽ khiến chế độ này cũng phải chịu trách nhiệm theo hiến pháp.