Sáng 25/9: EU báo động tình hình nhiễm COVID-19 tồi tệ hơn so với tháng 3/2020

(VOH) - Theo trang worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 294.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.500 ca tử vong.

Ngày 24/9, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra báo động về việc dịch COVID-19 đang trở nên tồi tệ hơn so với mức đỉnh tháng 3 ở một số quốc gia thành viên khi các chính phủ ở châu Âu và bên ngoài áp dụng nhiều biện pháp hạn chế mạnh mẽ. Ủy viên EU phụ trách y tế Stella Kyriakides kêu gọi các biện pháp mới để ngăn chặn làn sóng thứ hai của dịch bệnh.

tại Anh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã liệt kê Tây Ban Nha, Romania, Bulgaria, Croatia, Hungary, Cộng hòa Séc và Malta là những quốc gia đặc biệt "đáng lo ngại".

ECDC cho biết 7 nước trên đã ghi nhận hoặc đang có xu hướng gia tăng các trường hợp nhập viện, các ca nặng và cả số trường hợp tử vong.

Ngày 24/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã hối thúc các nước thành viên EU nâng cao nhận thức của người dân, cũng như tăng cường các quy định giãn cách xã hội và vệ sinh nhằm ngăn ngừa làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới.

Hiện châu Âu có tổng cộng hơn 5 triệu ca nhiễm. Một số quốc gia đã bắt đầu tái áp đặt các quy định phong tỏa cục bộ để ngăn dịch bệnh lan rộng. Tỷ lệ tử vong hiện vẫn chưa quay về mức như đầu năm nay, song số ca nhiễm mới lại đang tăng lên tại nhiều nơi.

Tại Đức, Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier đã thông báo tự cách ly tại nhà sau khi có một nhân viên của Bộ dương tính với virus SARS-CoV-2 . Tương tự, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm quyền Ủy viên Kinh tế Valdis Dombrovskis đã phải tự cách ly sau khi tiếp xúc với người mắc COVID-19. Ông cho biết dù chưa có biểu hiện mắc bệnh, song để phòng ngừa, ông sẽ làm việc tại nhà và tự cách ly.

Áo đã áp đặt cảnh báo đi lại đối với thủ đô Praha của Séc và một số khu vực của Pháp như thủ đô Paris và Cote d'Azur, trong khi dỡ bỏ cảnh báo với Thụy Điển. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Áo, cảnh báo đi lại cũng được áp dụng với Andorra, Argentina, Bahrain, Costa Rica, Israel, Kuwait và Maldives. Đối với Bồ Đào Nha, Áo đã thu hẹp cảnh báo đi lại xuống còn thành phố Lisbon và vùng Norte. Toàn bộ những thay đổi này sẽ có hiệu lực từ ngày 28/9 tới.

Tại Anh, Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) cho biết số người dương tính với virus SARS-CoV-2 theo tuần tại vùng England đã tăng gấp 3 so với thời điểm cuối tháng 8. Cụ thể, trong giai đoạn từ ngày 10/9-16/9, England đã ghi nhận 19.278 ca nhiễm mới. 

Trong ngày 23/9, Anh đã ghi nhận 6.178 ca nhiễm mới, con số cao nhất kể từ ngày 1/5. Tuy nhiên, Anh cũng đã đẩy mạnh năng lực xét nghiệm kể từ thời điểm đó. Theo trang thống kê worldometers.info, Anh hiện có tổng cộng 409.729 ca nhiễm và 41.862 ca tử vong do COVID-19.

Ở Nga, số ca nhiễm mới tại thủ đô Moskva đã lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 6. Trong những tháng vừa qua, số ca nhiễm mới tại thủ đô Moskva duy trì ở mức ổn định là 700 ca/ngày, song con số này đã bắt đầu tăng trở lại từ ngày 15/9. Trong ngày 24/9, thủ đô Moskva đã ghi nhận 1.050 ca nhiễm, mức cao nhất kể từ ngày 23/6. Trong khi đó, toàn nước Nga ghi nhận 6.595 ca nhiễm mới, con số cao nhất kể từ ngày 12/7. Theo thống kê của chính phủ, ước tính có 24% số ca nhiễm không có biểu hiện mắc bệnh. Tính đến ngày 24/9, Nga có tổng cộng 1.128.836 ca nhiễm và 19.948 ca tử vong do COVID-19.

Litva thông báo đã ghi nhận 138 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 4.070 ca, trong đó có 89 ca tử vong. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày kể từ khi Litva có ca nhiễm đầu tiên vào ngày 28/2 vừa qua.

Slovakia ghi nhận thêm 360 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức cao nhất kể từ đầu mùa dịch. Đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp, số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục. Trước đó, nước này ghi nhận 338 ca nhiễm mới trong ngày 22/9. Kể từ khi bùng phát dịch hồi tháng 3, Slovakia đã ghi nhận 7.629 ca nhiễm, trong đó 41 ca tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Espoo, Phần Lan ngày 18/3.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Espoo, Phần Lan ngày 18/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba Lan cũng ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức cao nhất, với 1.136 ca trong ngày 24/9. Tổng cộng nước này đã ghi nhận 82.809 ca nhiễm, trong đó có 2.369 ca tử vong.

Tại Phần Lan, theo nhà chức trách nước này, số ca nhiễm mới trong hai tuần qua đã tăng gấp đôi, từ mức 387 trong hai tuần trước đó ca lên 798. Bộ Y tế và các vấn đề xã hội cho biết có một số dấu hiệu cho thấy dịch đang "tăng tốc" trở lại, như tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ ca dương tính trong tổng số ca xét nghiệm, những khó khăn ngày càng lớn trong việc truy vết ca nhiễm... Đáng chú ý là khoảng 50% số ca nhiễm mới là những người trẻ, dưới 30 tuổi.

COVID-19 tại ASEAN: Ảm đạm với những con số kỷ lục - Tính đến hết ngày 24/9, dịch COVID-19 tại các nước ASEAN vẫn đang gia tăng trong trạng thái không mấy sáng sủa. Indonesia có số ca nhiễm theo ngày cao nhất. Myanma lo hết chổ cách ly.