Síp, Israel và Hy lạp đồng ý thúc đẩy hợp tác quốc phòng

(VOH) - Các bộ trưởng quốc phòng của Hy Lạp, Israel và Cyprus hôm 12/11 đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác quân sự với hy vọng sẽ giúp củng cố an ninh khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz cho biết đã đồng ý thúc đẩy hợp tác ngành công nghiệp quy mô lớn trong một cuộc đàm phán ba bên tại thủ đô Nicosia của Síp, cho rằng điều này sẽ tăng cường khả năng quốc phòng và tạo ra hàng nghìn việc làm cho cả ba nền kinh tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Síp Charalambos Petrides (giữa) cùng người đồng cấp Israel Benny Gantz (trái)  và Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikolaos Panagiotopoulos (phải) tại cuộc gặp hôm 12/11. Ảnh: AP

Cả ba nước đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ trong bối cảnh căng thẳng khu vực ở Đông Địa Trung Hải về quyền khai thác khí đốt ngoài khơi, và là đối tác của nhau trong một dự án đưa khí đốt từ các mỏ ở Israel và vùng biển của các quốc gia khác thông qua một đường ống dẫn dưới biển đến đất liền của châu Âu.

Về phía Hy Lạp, Bộ trưởng Nikolaos Panagiotopoulos nói rằng quân đội Hy Lạp, Israel và Síp đang làm việc để tiến đến hoạt động chung hiệu quả hơn thông qua các chương trình huấn luyện chung, chia sẻ thông tin tình báo và an ninh mạng.

Panagiotopoulos và người đồng cấp của Síp là Charalambos Petrides cho biết ba quốc gia đang tìm cách mở rộng quan hệ đối tác để giúp gọi thêm các quốc gia khác như Mỹ, là nước mà sự hiện diện tại Đông Địa Trung Hải được Bộ trưởng Hy Lạp nhận định là "có tầm quan trọng đặc biệt" đối với sự ổn định của khu vực.

Hy Lạp và Síp đang vướng vào tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã điều các tàu thăm dò khí đốt vào vùng biển mà Hy Lạp tuyên bố chủ quyền và các tàu khoan vào khu vực mà Síp tuyên bố độc quyền. Căng thẳng đã đưa các đồng minh NATO là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đến gần với xung đột vào mùa hè và mùa thu nhưng sau đó đã lắng xuống.

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng họ hoàn toàn có quyền thực hiện các hoạt động thăm dò như vậy ở các vùng biển đó; cũng tuyên bố bảo vệ quyền của những người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ ly khai đối với nguồn dự trữ năng lượng xung quanh Síp, vốn bị chiến tranh chia cắt.