Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ tuyên bố chung của Síp, Hy Lạp và Ai Cập về hoạt động thăm dò trên Địa Trung Hải

(VOH) - Thổ Nhĩ Kỳ phản bác một thông cáo chung của Hy Lạp, Síp và Ai Cập trong đó cáo buộc việc thăm dò năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ trên Địa Trung Hải và một số hành động đe dọa hòa bình khu vực.

Ngày 22/10, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một tuyên bố rằng “họ hoàn toàn bác bỏ tuyên bố có chứa những cáo buộc và luận điệu vô căn cứ."

Tàu khoan thăm dò của Kanuni của Thổ Nhĩ Kỳ bảo dưỡng tại cảng trước khi quay lại Biển Đen tiếp tục hoạt động. Ảnh: AP

Trong một hội nghị thượng đỉnh ba bên của khu vực tổ chức ngày 21/10 tại Nicosia, Tổng thống Síp Nicos Anastasiades, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã thúc giục Ankara chấm dứt các hành động “gây hấn”.

Tuyên bố chung cũng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận lời mời của Síp tham gia đàm phán để đạt được thỏa thuận về phân định biển. Hy Lạp và Síp đã ký các thỏa thuận biên giới trên biển với Ai Cập trong khi bác bỏ thỏa thuận tương tự mà Ankara đã ký với chính phủ có trụ sở tại Tripoli của Libya là “không hợp lệ về mặt pháp lý”.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tuyên bố trên mang tính tấn công Ankara hơn là ủng hộ hòa bình và ổn định khu vực. Bộ này lặp lại lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ rằng việc hợp tác chỉ có thể diễn ra khi có sự tham gia của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ vào việc quản lý và chia sẻ các nguồn lực của quốc đảo này

Hội nghị thượng đỉnh ba bên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa các đồng minh NATO danh nghĩa là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ về biên giới hàng hải và quyền năng lượng.

Vào cuối mùa hè, Thổ Nhĩ Kỳ đã cử một tàu nghiên cứu được các tàu chiến hộ tống để tiến hành nghiên cứu địa chấn ở một phần của Biển Địa Trung Hải mà Hy Lạp tuyên bố là lãnh thổ của mình, điều này khiến chính phủ Hy Lạp phải triển khai các tàu chiến của riêng mình.

Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo tàu nghiên cứu về bờ trong vài tuần để bảo dưỡng và để có thời gian làm công tác ngoại giao nhưng sau đó lại triển khai tàu Oruc Reis trong một sứ mệnh thăm dò năng lượng mới. Một thông báo hàng hải của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tàu Oruc Reis và hai tàu khác sẽ tiếp tục hoạt động trong khu vực cho đến ngày 27/10.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có các tàu thăm dò trữ lượng dầu và khí đốt ở vùng biển mà Síp tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của mình.