Tin nóng ngày 8/4/2019: Thêm 37 người Rohingya được tìm thấy trên bờ biển Malaysia

(VOH) - Cảnh sát cho biết, một nhóm gồm 37 người được cho là người Hồi giáo Rohingya từ Myanmar đã được tìm thấy trên bờ biển phía bắc Malaysia vào hôm nay 8/4.

Sự việc lần này khiến các cơ quan chức năng lo ngại về một làn sóng mới về người tị nạn bất hợp pháp hoặc gia tăng nạn buôn người bằng đường biển.

Vài tháng gần đây, giới chức Malaysia ghi nhận có sự gia tăng nhiều trường hợp hàng chục người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar và Bangladesh đã di chuyển bằng đường biển tìm cách đến Malaysia kể từ khi chính quyền nước này mạnh tay trấn áp nạn buôn người vào năm 2015.

Tháng trước, một sự việc tương tự cũng đã xảy ra khi nhóm gồm 35 người tị nạn được tìm thấy trên bờ biển Sungai Belati ở bang phía bắc Perlis, Malaysia.

Vào hôm nay thứ hai 8/4, nhóm người thứ hai gồm 37 người đã bị tạm giữ quanh khu vực thị trấn Simpang Empat sau khi họ đến cùng một địa điểm với nhóm đầu tiên là bờ biển Sungai Belati, Reuters dẫn lời cảnh sát trưởng của bang Noor Mushar Mohamad.

"Chúng tôi tin rằng họ đã di chuyển trên một con thuyền lớn hơn, trước khi được chuyển vào những chiếc xuồng nhỏ hơn và đưa đến những khu vực khác nhau", ông Noor Mushar Mohamad nói. Đồng thời ông cũng cho biết tất cả những người này đều trong tình trạng sức khỏe tốt và được chuyển đến văn phòng di cư.

Cảnh sát tìm thấy hàng chục người được cho là người Rohingya trên bờ biển Sungai Belati, Perlis, Malaysia vào ngày 8/4/2019 (Ảnh: Reuters

Cảnh sát tìm thấy hàng chục người được cho là người Rohingya trên bờ biển Sungai Belati, Perlis, Malaysia vào ngày 8/4/2019 (Ảnh: Reuters)

Hơn 700.000 người Rohingya đã tìm cách vào lãnh thổ Bangladesh vào năm 2017 để chạy trốn khỏi một cuộc đàn áp quân đội ở bang Rakhine, Myanmar, theo các cơ quan của Liên Hiệp Quốc.

Các quan chức tin rằng những người di cư được tìm thấy vào ngày 8/4 là từ Myanmar hoặc Bangladesh.

"Chúng tôi vẫn đang điều tra những chiếc thuyền đến từ đâu, nhưng chúng tôi nghi ngờ có sự liên quan với các tập đoàn buôn người", ông Noor Mushar nói.

Người Rohingya bên trong một khu trại dành cho người tị nạn ở Bangladesh, ngày 7/3/2019 (Ảnh: Reuters)

Người Rohingya bên trong một khu trại dành cho người tị nạn ở Bangladesh, ngày 7/3/2019 (Ảnh: Reuters)

Myanmar coi Rohingya là những người di cư bất hợp pháp từ tiểu lục địa Ấn Độ và đã tiến hành giam giữ hàng chục ngàn người đến các trại giam ở Rakhine kể từ khi làn sóng bạo lực quét qua khu vực này vào năm 2012. Bạo lực và đàn áp khiến hàng chục ngàn người Rohingya phải chạy trốn khỏi Myanmar bằng đường biển. Cuộc di cư lên đến đỉnh điểm vào năm 2015, khi ước tính có 25.000 người chạy trốn qua biển Andaman tìm đường đến Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Trong số đó, đã có nhiều người phải bỏ mạng trên những chiếc thuyền quá tải và không đạt an toàn.