Trung Quốc phóng tên lửa đẩy Trường Chinh 8 vào vũ trụ

(VOH) - Tên lửa đẩy mới của Trung Quốc mang tên Trường Chinh 8 đã có chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ vào thứ Ba ngày 22/12.

Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch phát triển dài hạn lĩnh vực hàng không vũ trụ phục vụ thương mại trong tương lai của Trung Quốc.

Tên lửa hạng trung Trường Chinh 8 Y-1 mang theo 5 vệ tinh chính thức được khai hỏa vào lúc 12 giờ 37 phút ngày 22/12 (giờ địa phương) từ đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Tên lửa Trường Chinh 8 là dòng tên lửa mà Trung Quốc lên kế hoạch phát triển với mục đích có thể tái sử dụng trong vòng vài năm tới, tương tự với tên lửa Falcon được sản xuất bởi công ty hàng không vũ trụ tư nhân SpaceX của Mỹ.

Truyền thông Trung Quốc không cho biết tên lửa Trường Chinh 8 Y-1 vừa được phóng có phải là loại có thể tái sử dụng hay không, nhưng các tên lửa khác cùng dòng được cho rằng sẽ có khả năng cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng (VTVL); và điều này sẽ cho phép chúng được sử dụng nhiều hơn chỉ một lần phóng như hiện nay.

Một quan chức tại Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc - nhà thầu chính phụ trách các vấn đề hàng không vũ trụ của nước này - đã cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng 11 rằng, Trung Quốc sẽ phát triển phương tiện VTVL đầu tiên vào năm 2025.

Sự kiện phóng tên lửa Trường Chinh 8 Y-1 đã kết thúc một năm nhiều hoạt động hàng không vũ trụ của Trung Quốc.

Trung Quốc phóng tên lửa đẩy Trường Chinh 8 vào vũ trụ
Người dân tập trung theo dõi việc khai hỏa tên lửa hạng trung Trường Chinh 8 Y-1 tại Trung tâm Không gian Văn Xương ở đảo Hải Nam, Trung Quốc ngày 22/12/2020. Ảnh: Reuters

Vào đầu tháng này, Trung Quốc đã thành công trong việc mang về Trái Đất các mẫu vật gồm đá và đất từ Mặt Trăng - lần đầu tiên kể từ năm 1976.

Trước đó vào tháng 7 năm nay, Trung Quốc cũng đã tiến hành sứ mệnh độc lập đầu tiên của nước này đến Sao Hỏa bằng tàu vũ trụ mang tên Thiên Vấn 1, giúp các nhà khoa học tìm hiểu về đất, cấu trúc địa chất, môi trường và khí quyển của hành tinh đỏ.

Trong tương lai, Trung Quốc đặt mục tiêu sẽ hoàn thành trạm không gian vũ trụ đa module vào năm 2022, bao gồm một module lõi ở trung tâm và các module phòng thí nghiệm nằm hai bên, cung cấp khoảng 160 m3 không gian bên trong. Khi đi vào hoạt động, trạm vũ trụ này sẽ cung cấp môi trường thí nghiệm và nghiên cứu cho nhiều lĩnh vực, từ thiên văn học, vật lý cơ bản đến khoa học đời sống. Nó cũng được lên kế hoạch để thực hiện các quan sát không gian thông qua một kính viễn vọng quang học đặt bên trong một tàu vũ trụ bay cùng quỹ đạo.

Sau đó vào năm 2045, quốc gia tỷ dân này hy vọng sẽ thành lập chương trình vận hành hàng ngàn chuyến bay mỗi năm, có khả năng phụ đưa hành khách thương mại ra ngoài vũ trụ và vận chuyển hàng chục ngàn tấn hàng hóa ra vào không gian.