Yemen đối mặt với nạn đói do tiền ngân hàng bị đóng băng

(VOH) - Nhiều khu vực của Yemen có thể đối mặt với nạn đói do các nhà nhập khẩu không mua được thực phẩm từ nước ngoài.

Theo Reuters, nguyên nhân của việc không mua được thực phẩm vì khoản tiền hơn 200 triệu đô la của nước này đang bị mắc kẹt trong các ngân hàng do chiến tranh.

Các ngân hàng phương Tây hiện đã cắt đường dây tín dụng đối với doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm về Yemen bởi họ sợ sẽ không được hoàn trả do sự hỗn loạn an ninh và hệ thống tài chính mong manh.

Những doanh nghiệp quốc tế tham gia vào việc cung ứng thực phẩm cho Yemen cho biết, khoản tiền khoảng 260 triệu đô la trong ngân hàng Yemen hiện không thể chuyển ra nước ngoài một phần vì sự gián đoạn quan hệ với các ngân hàng phương Tây.

Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp nhập khẩu phải rút tiền tại Yemen, sau đó gửi tiền ra nước ngoài bằng đường hàng không với chi phí thuê máy bay vận chuyển cực lớn - một giải pháp đầy khó khăn trong thời chiến.

Một phụ nữ làm bánh mì cho con bên trong một túp lều gần Sanaa, Yemen (Ảnh: Reuters)

Trong khi nhu cầu nhập khẩu ngũ cốc năm 2016 vào khoảng 3 triệu tấn thì Yemen hiện chỉ nhập được 580.000 tấn lúa mì trong năm nay do vấn đề ngoại hối, thiếu ngoại tệ mạnh và sự gián đoạn tại các cảng của nước này.

Nếu không có mặt hàng nhập khẩu chủ lực như lúa mì và bột mì, Liên Hợp Quốc cho biết nhiều khu vực của Yemen sẽ đối mặt với nạn đói.

Yemen hiện có 28 triệu dân, trong đó 21 triệu người cần viện trợ nhân đạo và hơn một nửa dân số bị suy dinh dưỡng, Liên Hợp Quốc cho biết.

10 trong số 22 khu tự trị của Yemen hiện đang ở trong giai đoạn 4 – giai đoạn khẩn cấp. Nếu một khu vực nào đó xếp vào giai đoạn 5 – có nghĩa là nạn đói xảy ra.

Nạn đói được công bố khi có ít nhất 20% hộ gia đình trong một khu vực rơi vào tình trạng thiếu thực phẩm, không có khả năng đối phó; tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính vượt quá 30%; và tỷ lệ tử vong vượt quá 2 người mỗi ngày đối với mỗi 10.000 người.