Bản tin bất động sản hôm nay 14/1/2020: HĐND TP HCM họp về giá đất mới

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 14/1 có những nội dung: Căn hộ CC tăng giá chóng mặt, vợ chồng trẻ càng khó có nhà; Đồng Nai đề xuất điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 5-10 năm tới.

HĐND TP HCM họp về giá đất mới

Kỳ họp bất thường của HĐND TP HCM khóa IX được tổ chức ngày 15/1 sẽ thông qua bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất mới.

Đây là cơ sở để UBND TP HCM ban hành quyết định bảng giá đất áp dụng trong giai đoạn 2020-2025.

Bảng giá đất này được dùng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân trong hạn mức; tính thuế sử dụng đất, tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt, tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại...

Trong tờ trình Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND TP HCM, giá đất mới cho chu kỳ 5 năm (2020-2025) được đề xuất giữ nguyên mức giá hiện hành của các tuyến đường.

Theo đó, giá đất ở cao nhất vẫn là các tuyến đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi (quận 1) với mức 162 triệu đồng mỗi m2 (giá thị trường ở các tuyến đường này hiện khoảng 800 triệu đồng mỗi m2).

Giá đất ở đô thị của TP HCM thấp nhất là 1,5 triệu đồng mỗi m2; giá đất thương mại dịch vụ bằng 80% giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là thương mại dịch vụ bằng 60% giá đất ở; giá đất cao nhất của loại đất nông nghiệp trồng lúa và cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản là 205.000 đồng/m2; loại đất trồng cây lâu năm là 300.000 đồng/m2...

Căn cứ tình hình thực tế, Sở cũng đề xuất bổ sung cập nhật thêm 368 tuyến đường mới ở các quận huyện và giá đất trong Khu công nghệ cao, đồng thời loại bỏ giá đất ở 266 tuyến, đoạn đường do đã điều chỉnh.

Theo quy định, khi Nhà nước thu hồi đất hoặc tính tiền sử dụng đất của doanh nghiệp làm dự án sẽ được các cơ quan chức năng thẩm định giá đất cho từng trường hợp cụ thể; trường hợp hộ gia đình, cá nhân được công nhận quyền sử dụng đất, hoặc chuyển mục đích sử dụng đất ngoài hạn mức sẽ phải đóng tiền sử dụng đất theo hệ số điều chỉnh cho UBND TP HCM ban hành hằng năm.

Nhà phố thương mại giảm sức hút

Giá thuê mặt bằng shophouse quá cao, nhiều người buộc phải đóng cửa trả mặt bằng trước Tết để tránh thua lỗ kéo dài.

Nhà phố thương mại (shophouse) được xem là phân khúc đầy tiềm năng của các chủ đầu tư dự án cũng như giới đầu tư bất động sản vài năm trước. Tiềm năng này đến từ việc kinh doanh hoặc cho thuê, cộng thêm giá trị nhà đất tăng theo thời gian. Điều này khiến giá shophouse liên tục bị đẩy lên cao gấp nhiều lần giá ban đầu của chủ đầu tư đưa ra.

Mỗi khi đổi chủ, giá thuê shophouse lại bị đẩy lên theo giá bán. Như dãy shophouse trên đường Nguyễn Cơ Thạch (quận 2, TP HCM) thuộc khu đô thị Sala được xem là dãy nhà phố thương mại có giá thuộc hàng đắt đỏ nhất tại TP HCM hiện nay. Theo thống kê của Công ty Bất động sản JLL Việt Nam, shophouse trên trục đường này tại thời điểm mở bán năm 2015, giá khoảng 20 tỉ đồng/căn nhưng nay tăng lên gần 80 tỉ đồng/căn. Từ đó, giá thuê shophouse gồm 1 trệt 3 lầu ở khu vực này cũng lên rất cao, hiện khoảng 170 - 180 triệu đồng/tháng.

Ở nhiều khu đô thị khác, giá bán cũng như giá cho thuê shophouse cũng bị đẩy lên cao gấp nhiều lần so với giá ban đầu khi mở bán. Do vậy, nhiều khách hàng thuê shophouse để kinh doanh không chịu nổi, buộc phải đóng cửa trả mặt bằng. Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn từ những tháng cuối năm 2019 đến nay.

Ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thừa nhận thời gian qua, shophouse ở một số khu dân cư được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng khiến giá của loại hình này bị đẩy lên rất cao. Từ đó, giá cho thuê shophouse cũng phải tăng tương ứng. Tuy nhiên, khi người thuê không kham nổi chi phí buộc phải đóng cửa, trả mặt bằng. Chỉ những khách thuê lớn có thể chấp nhận bù lỗ để duy trì vị trí tốt nhằm quảng bá thương hiệu.

Một chuyên gia bất động sản nhận định khi giá thuê shophouse ở mức quá cao trong khi giá trị khai thác kinh doanh không tương xứng thì thị trường sẽ tự điều chỉnh xuống một cách hợp lý. Tuy nhiên, ngoài giá thuê, khách thuê nên cân nhắc kỹ giữa số lượng cư dân và vị trí của khu shophouse. Bởi, không phải khu nào đông dân cư cũng đồng nghĩa với việc sẽ kinh doanh hiệu quả, quan trọng là cư dân có phù hợp với phân khúc khách hàng của mình hay không. "Các đơn vị kinh doanh cũng không nên lựa chọn những mặt bằng quá cao so với khả năng kinh doanh của mình mà chỉ cân nhắc ở m

Căn hộ chung cư tăng giá chóng mặt, vợ chồng trẻ càng khó có nhà

HoREA cho biết, năm 2019 giá nhà tăng cao, trong đó, căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15-20% (cá biệt, có dự án nhà ở tại quận 9 có mức giá bán căn hộ tăng đến 39%) so với năm 2018. Do vậy, số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ khó tạo lập nhà ở hơn, giấc mơ có nhà ngày càng xa vời.

Theo HoREA, năm 2019 cũng là năm thứ hai, thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản lại phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Theo đó, quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Giá nhà tăng cao, trong đó, căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15-20% (cá biệt, có dự án nhà ở tại quận 9 có mức giá bán căn hộ tăng đến 39%) so với năm 2018. Do vậy, số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp khó tạo lập nhà ở hơn, giấc mơ có nhà ở ngày càng xa vời. Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản. 

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng số giao dịch nhà đất thành công trong cả nước năm 2019 là 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018; trong đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chỉ có 6.280 giao dịch, cũng giảm 20% so với năm 2018.

Năm 2020, ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng”, nhưng có thể xảy ra tình trạng sốt giá đất nền cục bộ ở một số khu vực có quy hoạch phát triển đô thị, phát triển giao thông. Nhưng trong 06 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản có thể vẫn còn phải tiếp tục đương đầu với các khó khăn, thách thức. 

Phân khúc thị trường căn hộ chung cư nhà ở thương mại 1-2 phòng ngủ, có giá vừa túi tiền (trên dưới 2 tỷ đồng/căn) tiếp tục giữ vị trí chủ đạo trong thị trường bất động sản, đi đôi với nguồn cung dự án nhà ở xã hội tăng thêm trong năm 2020.

Tiếp chuyện di dời nhà máy, cơ sở đại học khỏi nội thành Hà Nội

TP. Hà Nội đã lập Ban chỉ đạo công tác di dời, xây dựng danh mục, đề xuất nguyên tắc phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời theo các giai đoạn trên địa bàn 12 quận nội thành và xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời tổng số 117 cơ sở...

Việc thực hiện di dời các nhà máy công nghiệp, các trường đại học ra khỏi khu dân cư và sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở công nghiệp, cơ sở giáo dục đào tạo trong khu vực nội đô, Bộ Xây dựng cho biết: Trên cơ sở Quy hoạch chung TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Hiện nay, các Bộ, ngành và UBND TP. Hà Nội đang tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Kết quả cụ thể, về công tác di dời cơ sở công nghiệp, theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời, xây dựng danh mục, đề xuất nguyên tắc phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời theo các giai đoạn trên địa bàn 12 quận nội thành và xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời tổng số 117 cơ sở.

Về công tác di dời cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp: Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa hoàn thành việc lập đề án để làm cơ sở xác định danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục dạy nghề cần phải di dời. UBND TP. Hà Nội đã bố trí 279,5 ha cho các khu trường đại học tập trung tại Hòa Lạc.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều trường đại học đã lập quy hoạch và cơ sở 2 tại các địa phương trong vùng Thủ đô Hà Nội (Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc).

Gia Lâm "chiếm sóng" thị trường địa ốc Thủ đô năm 2019

Sáng nay 14/1, Savills Việt Nam đã tổ chức họp báo thị trường bất động sản Hà Nội quý IV/2019. Đánh giá về phân khúc biệt thự, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết tổng nguồn cung thị trường đạt 49.800 căn, tăng 1% theo quý và 9% theo năm. Bốn dự án mới đóng góp thêm khoảng 547 căn, chiếm 22% tổng nguồn cung mới trong năm 2019.

Trong năm 2019, huyện Gia Lâm dẫn đầu với 38% tổng lượng giao dịch, quận Hà Đông theo sau với 17%

Cũng theo bà Hằng, nguồn cung sơ cấp năm 2019 giảm 28% theo năm. Tuy nhiên tỷ lệ hấp thụ đạt mức cao với 87%. Trong quý IV, nguồn cung sơ cấp đạt gần 1.300 căn, tăng 2% theo quý nhưng giảm 70% theo năm.

Về mặt bằng giá, bà Hằng cho biết, giá bán sản phẩm thứ cấp tăng 6 - 7% so với năm 2018 trong đó mức giá 300.000USD/căn chiếm khoảng 60% thị trường. Đáng lưu ý, theo thông tin Savills Việt Nam, phân khúc biệt thự, liền kề năm nay sôi động nhất ở một số huyện sắp lên quận.

"Đến năm 2021, dự kiến có 10.900 căn tung ra thị trường. Huyện Đông Anh và Đan Phượng dự kiến chiếm 57% nguồn cung tương lai", bà Hằng nhấn mạnh. Được biết, cả Gia Lâm, Đông Anh và Đan Phượng đều là những huyện sắp lên quận của Hà Nội.

Trước đó, lãnh đạo TP. Hà Nội đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025.

Đồng Nai: Đề xuất điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 5-10 năm tới

UBND tỉnh Đồng Nai vừa đề xuất Chính phủ cho rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất khu vực xung quanh các dự án lớn mang tầm quốc gia, khu vực trên địa bàn tỉnh như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường cao tốc: Dầu Giây - Đà Lạt, Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành. Mục đích là để theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với việc đầu tư các công trình lớn, tỉnh Đồng Nai sẽ rà soát bổ sung điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất khu vực xung quanh các công trình trên để khai thác đất đai có hiệu quả hơn.

Quy hoạch sử dụng đất thường áp dụng cho thời kỳ 5-10 năm, nếu chờ đến kỳ đầu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào kỳ cuối, thời gian xử lý các dự án trên sẽ kéo dài do vướng thủ tục đất đai.

Do vậy, Đồng Nai kiến nghị Trung ương sau khi rà soát quỹ đất trên địa bàn, nếu có nội dung cần điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cho phép UBND tỉnh được chủ động báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp để triển khai các dự án.

UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng trong giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai sẽ có nhiều dự án giao thông cấp quốc gia, cấp tỉnh hoàn thành và đi vào khai thác. Đây sẽ là lợi thế để phát triển hàng loạt các dự án về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, khu dân cư đi kèm.

2.900 vụ vi phạm xây dựng tại TPHCM năm 2019

Tại TPHCM, trong 2.900 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng năm 2019, có đến 1.328 trường hợp xây dựng không phép, 1.213 trường hợp sai phép. Tổng số tiền xử phạt hành chính là gần 25 tỷ đồng.

Các vụ vi phạm trật tự xây dựng nổi bật gây bức xúc dư luận, như công trình kho - xưởng tại phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), công trình xây sai phép 3 tầng của nguyên Chánh Thanh tra Xây dựng quận 10...

Nguyên nhân được Sở Xây dựng thành phố đưa ra là do việc trao đổi thông tin xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng, tập hợp số liệu hằng tháng để cập nhập và báo cáo giữa Thanh tra Sở và Phòng Quản lý đô thị quận - huyện chưa thực hiện tốt, chưa đang giá hết thực trạng công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa phương.

Đà Lạt đình chỉ thi công công trình không phép ở Khu Du lịch Thung lũng Tình yêu

Chiều 13/1, lãnh đạo UBND Phường 8 (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết đã có tờ trình gửi UBND thành phố Đà Lạt, đề xuất xử phạt hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng về hành vi xây dựng cầu đáy kính không có giấy phép xây dựng.

Theo đó, qua kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện tại Khu Du lịch Thung lũng Tình yêu (đường Mai Anh Đào, Phường 8, thành phố Đà Lạt), chủ đầu tư đã cho xây dựng công trình cầu đáy kính 7D không có giấy phép xây dựng. Quy mô công trình gồm: 2 mố neo 10x15 mét, cao 10 mét; 2 trụ đỡ có kích thước 8x8 mét, cao 20 và 28 mét (hiện đang kéo dây neo và kéo dây đáy kính). Cũng tại đây, chủ đầu tư còn cho lắp dựng khung sắt lắp ghép nhà chờ rộng 8 mét, dài 20 mét, cao 4 mét.

Đặc biệt, khi triển khai dự án, chủ đầu tư đã tác động đến rừng. Cụ thể, ngày 9/1/2020, cơ quan chức năng thành phố Đà Lạt đã phát hiện chủ đầu tư đã tự ý cho chặt hạ 6 cây thông ba lá có đường kính từ 20 - 35cm, cao 10 mét, trên diện tích 270 m2 rừng phòng hộ. Toàn bộ số thông chủ đầu tư cho đốn hạ đã bị tiêu hủy, chỉ còn lại gốc cây còn ứa nhựa.

Trước các hành vi sai phạm trên của doanh nghiệp, UBND phường 8 đã lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công xây dựng công trình, lập hồ sơ bản vẽ thiết kế xin phép cơ quan có thẩm quyền xin cấp phép xây dựng theo quy định. Trường hợp, cơ quan có thẩm quyền từ chối cấp phép, hoặc được cấp phép phải tháo dỡ toàn bộ phần công trình vi phạm không phù hợp theo giấy phép xây dựng và thiết kế đã được phê duyệt.

UBND phường 8 đã có tờ trình đề xuất UBND thành phố Đà Lạt xử phạt đơn vị này 40 triệu đồng.

UBND TP.HCM chỉ đạo xử lý vi phạm xây dựng tại công trình Riverside Palace ( 360D Bến Vân Đồn)

UBND TPHCM vừa chỉ đạo UBND quận 4 phối hợp với cơ quan tư pháp rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý để thống nhất phương án giải quyết vụ việc, bảo đảm nguyên tắc vận động, thuyết phục, kêu gọi chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan tự giác chấp hành tháo dỡ trước khi cưỡng chế thi hành.

Sau khi kiểm tra, thống nhất phương án xử lý, UBND quận 4 cần thông cáo báo chí về nội dung vi phạm, chủ trương và tiến độ xử lý của cơ quan chức năng đối với công trình vi phạm này. Kết quả thực hiện sẽ được báo cáo UBND TPHCM sau Tết Nguyên đán 2020.

Công trình xây dựng trái phép này tọa lạc địa chỉ 360D Bến Vân Đồn, Q.4 do Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lâu Đài Ven Sông làm chủ đầu tư. Trong khi tất cả các công trình từ nhà dân đến chung cư, tòa nhà văn phòng đều phải lùi vào khoảng 3m so với mặt đường nhưng riêng tòa nhà Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Riverside Palace vẫn "trồi" ra ngoài.

Trải nghiệm phong cách nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên rừng & biển Hồ Tràm - Hơn 300 khách hàng đã cùng đến tham dự “hành trình trải nghiệm” Vườn xuân miền nhiệt đới - tham quan và tận hưởng phong cách sống nghỉ dưỡng tại NovaWorld Hồ Tràm ngày 04/01.
Bất động sản Đồng Nai – Tâm điểm hút vốn 2020  - Theo nhận định của nhiều nhà ĐT và chuyên gia BĐS, sau khu Nam và khu Đông, thị trường khu vực giáp ranh TP.HCM như Đồng Nai đang hấp dẫn nhờ những định hướng phát triển ĐT trong tương ...