Bản tin bất động sản hôm nay 23/12: Thách thức bủa vây, doanh nghiệp BĐS tìm giải pháp xoay sở

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 23/12 có những nội dung nổi bật sau: Khung giá đất Hà Nội, TP HCM cao nhất 162 triệu đồng một m2; Năm 2020, BĐS công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong thu hút FDI.

Thách thức bủa vây, doanh nghiệp BĐS tìm giải pháp xoay sở trước bối cảnh thị trường biến động

Trước bối cảnh thị trường khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp địa ốc, đặc biệt các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ đã linh hoạt để bám trụ với thị trường.

Năm 2019 được xem là năm thách thức của thị trường BĐS. Tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp địa ốc gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân một phần do thủ tục hành chính và chủ trương kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép dự án mới, thời gian hoàn thành hồ sơ dự án kéo dài quá lâu. Trong khi đó, lãi xuất vay vốn ngân hàng bị ràng buộc, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án.

Việc sụt giảm nguồn cung ở nhiều phân khúc của thị trường BĐS đã tác động lớn đến nguồn thu ngân sách và tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, nặng nề nhất là các doanh nghiệp BĐS còn yếu, thiếu và hạn chế về tiềm lực tài chính. Nhiều doanh nghiệp rơi vào thế rủi ro, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản do không có sản phẩm cung ứng ra thị trường, môi giới lao đao nhảy việc.

Trong bối cảnh này nhiều doanh nghiệp BĐS tại Tp.HCM đã chủ động tìm kiếm quỹ đất, chú trọng vào chất lượng dự án để tăng tính cạnh tranh, đa dạng cơ cấu nguồn vốn để tạo giá trị cho sản phẩm. Ngoài ra, tìm kiếm và mở rộng cơ hội kinh doanh của các vùng lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận,… để chuẩn bị quỹ đất dài hạn, cải thiện việc thiếu hụt sản phẩm.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Tổng giám đốc Yeshouse cho biết, trước tình hình này, các doanh nghiệp BĐS có thể chủ động xoay sở nguồn vốn, tìm kiếm nguồn vốn thay thế tín dụng như phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, hợp tác M&A, thu hút FDI. Đặc biệt, vốn FDI đang là một trong những điểm sáng nhất và dự kiến năm 2020 vốn FDI còn đổ về nhiều hơn.

Cũng theo ông Tuấn, các doanh nghiệp địa ốc bên cạnh tìm kiếm nguồn vốn cũng đang chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nội bộ, hỗ trợ nhân sự mới cũng như kiểm tra nâng cao trình độ nhân sự cũ để nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chủ đạo. Đây cũng là cách “ứng phó” với tình hình biến động nhân sự trong tổ chức - yếu tố quyết định rất nhiều đến sự bền vững của một doanh nghiệp BĐS.

Theo ghi nhận, không chỉ các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ “xoay sở” để trụ vững trên thị trường, các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính mạnh cũng chủ động/linh hoạt tìm kiếm sản phẩm ở các khu vực tỉnh để tiếp tục nuôi quân, phát triển doanh nghiệp đường dài. Theo chia sẻ của một số “ông lớn” BĐS, xu hướng dạt về tỉnh lân cận để tìm quỹ đất trong suốt thời gian qua cũng là cách để đối phó với khó khăn và trụ vững trên thị trường trong dài hạn.

Bất động sản vùng ven vẫn là “canh bạc” hấp dẫn

Dù có nhiều cảnh báo về rủi ro khi đầu tư bất động sản vùng ven, nhưng điều này không tác động nhiều đến nhà đầu tư khi họ cho rằng, tiềm năng của thị trường này vẫn rất lớn.

Anh Nguyễn Tiến Thủy, nhân viên môi giới bất động sản một sàn giao dịch tại quận Hà Đông, Hà Nội cho hay, thời gian vừa qua, anh thường xuyên đưa khách xuống tham quan dự án ở một số địa phương như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Bên cạnh đó, ở nhiều tỉnh, thành phố khác như Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc cũng có nhiều dự án đơn lẻ với mặt bằng giá khá hấp dẫn.

"So với đầu tư chung cư, liền kề hoặc biệt thự tại Hà Nội, mức đầu tư của một mảnh đất nền ở địa phương diện tích khoảng 80 - 100 m2 thấp hơn nhiều, trong khi tỷ suất sinh lời lại cao hơn và vòng quay vốn nhanh hơn, nhất là với các dự án có vị trí tốt, được các sàn hoặc chủ đầu tư làm thị trường tốt", anh Thủy chia sẻ.

Năm 2020: Bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong thu hút FDI

Năm 2019 thị trường bất động sản đã gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên phân khúc bất động sản (BĐS) công nghiệp là "điểm sáng” trên thị trường và được dự báo tiếp tục sẽ là xu hướng lựa chọn của các nhà đầu tư trong năm 2020.

BĐS công nghiệp được đánh giá là thị trường hấp dẫn tại Việt Nam vì được hỗ trợ bởi các chính sách từ Chính phủ như: miễn giảm, ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư. Đến nay trên cả nước có 326 KCN, Khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích hơn 95,6 nghìn ha; trong đó, 251 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 66,2 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đi vào hoạt động đạt hơn 74%. 88% các KCN đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, phân khúc BĐS công nghiệp sẽ là lĩnh vực nóng nhất trong năm 2020 và được đánh giá có nhiều lợi thế, khi Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã được ký kết trong năm 2019. Đặc biệt, Việt Nam có cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư FDI từ các hiệp định, trong đó Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam thông qua việc gỡ bỏ 99% thuế quan với hàng hóa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các cụm, KCN của Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, qua đó thúc đẩy nhu cầu đối với BĐS công nghiệp trong nước.

Hiện thị trường BĐS công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho, logistics và các dịch vụ hậu cần khác vẫn đang trong giai đoạn mới phát triển với nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, BĐS công nghiệp Việt Nam cũng đang có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài muốn dịch chuyển sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 11 tháng năm 2019, số lượng các đoàn sang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có nhiều đoàn tìm hiểu cơ hội để dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore… Do đó, lĩnh vực này đang có rất nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới và chắc chắn sẽ thu hút thêm nhiều nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ.

Để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng, qua đó tạo đà cho BĐS công nghiệp bứt phá và phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, theo các chuyên gia, cần thay đổi cách tiếp cận về đầu tư BĐS công nghiệp theo hướng các KCN cần gắn kết với các hạ tầng dịch vụ logistics, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hướng đến phát triển bền vững trong các KCN...

Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thành phố (TP) lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 một khu công nghiệp (KCN) mới có diện tích khoảng 380 ha, tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. KCN này được thành lập sẽ đáp ứng được các điều kiện thuận lợi để xây dựng một KCN có tính chất chuyên biệt, ứng dụng công nghệ cao… Đồng thời tạo cơ hội cho TP thu hút thêm dòng vốn FDI thế hệ mới.

Khung giá đất Hà Nội, TP HCM cao nhất 162 triệu đồng một m vuông

Thủ tướng vừa ký nghị định ban hành khung giá đất mới trong 5 năm tới với mức cao hơn khoảng 20% so với hiện hành.

Nghị định 96/2019 vừa được Thủ tướng ký ban hành quy định khung trần giá đất đô thị loại 1-5 tại 7 vùng kinh tế, sẽ áp dụng 2019-2024. Đây là căn cứ để các tỉnh, thành phố xây dựng, điều chỉnh giá đất ở địa phương.

Theo đó, khung giá đất chung vẫn quy định giá tối thiểu, tối đa cho các vùng. Cụ thể khung giá áp tối thiểu 40.000-120.000 đồng một m2 và tối đa 48-162 triệu đồng một m2. Theo tính toán, khung giá đất mới tăng khoảng 20% so với giai đoạn 2015-2019. Hà Nội và TP HCM là hai địa phương nằm trong vùng có khung giá tối đa 162 triệu đồng một m2.

 Khung giá đất cụ thể theo vùng 

STT

Vùng 

Giá thấp nhất (đồng/m2)

Giá cao nhất (đồng/m2)

1

Trung du, miền núi phía Bắc: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang và Quảng Ninh.

50.000 

65.000.000

2

Đồng bằng sông Hồng: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình.

120.000

162.000.000

3

Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế

40.000

65.000.000

4

Duyên hải Nam Trung Bộ: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận

50.000

76.000.000

5

Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk và Lâm Đồng

50.000

48.000.000

6

Đông Nam Bộ: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và TP HCM

120.000

162.000.000

7

Đồng bằng sông Cửu Long: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau

50.000

65.000.000

Nghị định cũng yêu cầu UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành bảng giá đất điều chỉnh không cao quá 20% so với mức tăng của từng loại đất.

Trong một góp ý gần đây, Savills cho rằng, Việt Nam nên bỏ khung giá đất, thay vào đó xác định giá thị trường để làm cơ sở cho mọi giao dịch. Theo Savills, bảng giá đất cho giai đoạn 5 năm là khá dài vì tình hình giá bất động sản thay đổi nhanh. Do đó, có thể có những giai đoạn điều chỉnh nhỏ như 6 tháng hoặc một năm để cập nhật biến động của thị trường.

Bình Phước công bố Dự án Trung tâm Hành chính tỉnh 797 tỷ đồng

Ngày 20/12, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước công bố danh mục Dự án Xây dựng toà nhà trung tâm hành chính tỉnh. Dự án có tổng mức đầu tư 797 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức PPP (hợp đồng BLT).

Dự án được thực hiện trong khuôn viên diện tích đất của Trụ sở Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thuộc phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Quy mô xây dựng gồm 2 tòa nhà cao 15 tầng, diện tích hơn 39 nghìn m2, phục vụ cho các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các sở, ban, ngành của tỉnh. Thời gian thực hiện từ 2019 - 2022, dự kiến khai thác vận hành từ 2022 - 2050.

Khi hoàn thành, có khoảng 25 cơ quan làm việc tại tòa nhà này. Như vậy, tỉnh Bình Phước sẽ có quỹ đất của 25 trụ sở cơ quan cũ đưa vào đấu giá tạo nguồn thu. Dự kiến nguồn thu đấu giá trụ sở 25 cơ quan cũ khoảng 2.500 tỷ đồng.

Khu Tuần Châu của ‘chúa đảo’ Đào Hồng Tuyển được mở rộng hơn 1.000ha

Theo phê duyệt của tỉnh Quảng Ninh, khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu (phân khu 8) sẽ được mở rộng diện tích nghiên cứu 1.054,72ha.

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu (phân khu 8) tại phường Tuần Châu, TP. Hạ Long.

Theo phê duyệt, phạm vi ranh giới khu vực nghiên cứu quy hoạch nằm tại đảo Tuần Châu và tuyến đường nối Quốc lộ 18A với phường Tuần Châu. Khu vực nghiên cứu thuộc phân khu 8 theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Diện tích nghiên cứu 1.054,72ha, quy mô dân số khoảng 50.000 – 70.000 người được chia làm 7 tiểu khu. Ngoài việc phát triển trên cơ sở khu dân cư hiện hữu, bổ sung các công trình dịch vụ hỗn hợp, khách sạn – căn hộ cao cấp, nhà hát Opera… Khu 8.5, có diện tích 88,92ha, sẽ là khu vực trung tâm mới của đảo Tuần Châu gồm các chức năng: khu các công trình dịch vụ câu lạc bộ sân golf, công trình công cộng của thành phố, khu cây xanh công viên chuyên đề, quảng trường lễ hội và tổ chức sự kiện, khu trung tâm thương mại kết hợp dịch vụ du lịch ven kênh.

Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu được Tập đoàn Tuần Châu do ông Đào Hồng Tuyển làm Chủ tịch HĐQT - người được mệnh danh là “chúa đảo” bắt tay vào xây dựng từ năm 1997. Cuối năm 1998, sau gần 2 năm thi công con đường đầu tiên nối đất liền với đảo Tuần Châu dài 2km được hoàn thành để vận chuyển vật tư, trang thiết bị thực hiện các dự án tiếp theo trên đảo.

Bất động sản nghỉ dưỡng sân golf: Mảng màu sáng trong bức tranh thị trường

Trong thị phần bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay, bất động sản sân golf đang dần trở thành kênh hấp dẫn, hút mạnh dòng tiền đầu tư và được các tập đoàn lớn đặc biệt quan tâm.

Theo các chuyên gia, là một loại hình vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng vừa có thể đầu tư và giao dịch nên giá trị của các sản phẩm bất động sản phụ thuộc nhiều vào yếu tố đi kèm. Trong đó, vị trí và các tiện ích liền kề được đánh giá là yếu tố quan trọng tạo nên đẳng cấp cho bất động sản. Đây cũng là lý do mà các thuật ngữ như “bất động sản sân golf”, “bất động sản biển” dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.

Trong đó, khác với nghỉ dưỡng ven biển, loại hình bất động sản sân golf không chỉ mang lại không gian nghỉ dưỡng cao cấp mà có những đặc thù riêng, thể hiện đẳng cấp và đem đến những trải nghiệm với bộ môn golf.

Ngoài ra, mỗi sân có diện tích hàng chục hecta đất, trên bản đồ đô thị sẽ chiếm một mảng xanh lớn. Nếu có sân golf tại các đô thị thì đó là một hệ thống không gian xanh rất đáng kể, giúp làm trong lành môi trường sống. Ngoài ra, sân golf còn là yếu tố quan trọng để xây dựng và phát triển đô thị, khu dân cư theo hướng bền vững.

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam chưa có nhiều dự án nghỉ dưỡng theo loại hình này dù có nhiều điều kiện thuận lợi, thiên nhiên ưu đãi, lượng khách du lịch ngày càng tăng cao... Hiện cả nước chỉ có 32 sân golf đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, trong khi quanh khu vực, Malaysia có 230 sân golf hay Thái Lan có tới 253 sân.

Kịp thời nắm bắt xu hướng ấy, một số “đại gia” đã khá thành công khi phát triển dòng sản phẩm này, đơn cử như Vingroup, FLC… với các khu nghỉ dưỡng có sân golf, thực tế đều thu hút số lượng lớn du khách cũng như nhà đầu tư.

Mới đây, Tập đoàn Geleximco cũng đã tham gia thị phần đầy tiềm năng này với một số dự án như sân golf Geleximco Hilltop Valley Golf Club (Hòa Bình), Khu nhà vườn du lịch sinh thái và sân tập golf Vân Tảo Geleximco (Thường Tín, Hà Nội)…

Mùa “biển lở”: Lo mất đất, mất nhà

Bình Thuận là một trong 28 tỉnh, thành ven biển bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng biển xâm thực.

Cuối năm 2017, sóng lớn kết hợp triều cường đã làm nhiều nhà dân sống dọc bờ biển thuộc thôn Tân Hải, xã Long Hải (huyện Phú Quý, Bình Thuận) bị phá nát, một số nhà bị hư hại hoàn toàn chỉ còn trơ lại lớp đất nền và hàng gạch vỡ vụn. Người dân phải xây nhà lùi vào phía bên trong; Phía trước nhà phải đổ đá, bê tông xây vòng thành hay bậc tam cấp kiên cố nhằm giảm nhẹ sức tàn phá của thiên tai.

Nhiều năm trở lại đây bờ biển ở xã Long Hải bị xói lở vào trong cả 50 - 70m, nhiều lớp nhà bị sóng cuốn trôi. Anh Trần Tuấn (ở xã Long Hải) nói: “Nếu không xây kè, những dãy nhà của các hộ phía trong khó mà tồn tại được”.

Đó cũng là nỗi lo của hàng trăm cư dân sinh sống ở vùng “biển lở” của tỉnh Bình Thuận mỗi khi vào mùa gió Bấc (từ khoảng tháng 11 âm lịch đến tháng Giêng, tháng 2 âm lịch năm sau). Gần 10 năm nay, dọc bờ biển của khu phố B và khu phố C, phường Thanh Hải (thành phố Phan Thiết) luôn xảy ra tình trạng xói lở bờ biển.

Từ chỗ có đất, có nhà, có nơi ở ổn định, song không ít cư dân ven biển ở Bình Thuận phải bỏ đi nơi khác.

Chính phủ siết nạn đầu cơ, người Hàn vẫn mua cả chục căn nhà

Thống kê cho thấy số người sở hữu nhiều nhà, trên từ 6 đến 10 căn nhà, ở Hàn Quốc tăng cao trong năm qua. Chính quyền nước này tuần trước tuyên bố tiếp tục siết chặt nạn đầu cơ nhà, bao gồm tăng thuế đối với người sở hữu hơn hai căn nhà.

Số người sở hữu từ 6 đến 10 căn nhà cũng tăng 2,1% lên 49.819 người. Ngoài ra, có 1.882 trường hợp sở hữu hơn 51 căn nhà. Tuy nhiên, con số này thấp hơn 2.907 người vào 2015 và theo xu hướng giảm trong những năm qua.

Thông tin được đưa ra sau khi Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ có các bước hạn chế nạn đầu cơ bất động sản, theo đó chủ yếu nhắm vào những người sở hữu nhiều nhà.

Trong các biện pháp mới, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến tiếp tục nâng tỉ lệ thuế gia tăng với những đối tượng này.

Novaland là nhà phát triển bất động sản tốt bậc nhất Đông Nam Á -Tại Lễ trao giải Bất động sản Dot Property Southeast Awards 2019 lần thứ 04, Tập đoàn Novaland đã được xướng tên tại hạng mục Developer of the Year 2019.
Novaland đồng hành cùng nhiều địa phương phát triển bền vững kinh tế du lịch  - Vừa qua, tại cuộc họp với Thường trực TU tỉnh BR-VT, Tập đoàn Novaland trình bày PA ĐT, triển khai các DA BĐS ND nhằm khai thác tối đa vị trí, tiềm năng, định hướng phát triển du lịch ...