Cần có Hiệp hội để phát triển nghề nuôi chim yến

(VOH) - Sáng 26/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị Sơ kết một năm thực hiện Thông tư 35 quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến với sự tham dự của đại diện các sở ngành nông nghiệp từ tỉnh Bình Định đến Cà Mau.

Ảnh minh họa: PNO

Ông Phạm Văn Đông, Cục Trưởng Cục thú y cho biết, từ năm 2013 đến nay, ngành thú y đã kiểm tra hơn 1.370 cơ sở trong tổng số 2.762 cơ sở nuôi yến. Qua kiểm tra, đến nay, chưa phát hiện chim yến có bệnh lâm sàng hoặc chết tại cơ sở nuôi; kiểm tra phòng xét nghiệm 725 mẫu, xác định không có virus cúm gia cầm H5N1.

Hiện tình hình nuôi chim yến ở các địa phương vẫn còn một số khó khăn như nhà nuôi yến nằm trong khu dân cư.

TPHCM hiện có 556 nhà nuôi yến ở 19 quận - huyện, tập trung nhiều nhất là huyện Cần Giờ.

Về quy định đánh giá tác động môi trường của cơ sở nuôi yến, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM đề xuất: "Theo Nghị định 29 về quản lý môi trường, chiến lược về đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường năm 2011 của Chính phủ, trong đó, ở Phụ lục liên quan đến động vật hoang dã có nêu, các cơ sở nuôi động vật hoang dã không kể quy mô lớn nhỏ đều phải làm đánh giá tác động môi trường. Điều này rất mất thời gian, tôi nghĩ không cần thiết đến mức như vậy, theo tôi thì, ở mức độ cam kết bảo vệ môi trường là được".

Theo ngành nông nghiệp, nghề nuôi chim yến ở Việt Nam có nhiều thuận lợi và điều kiện tốt, cần nhanh chóng đánh giá và chuyển sang giai đoạn mới. Từ nuôi tự nhiên sang chủ động, cần phải hoàn thiện về kỹ thuật.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói: "Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển nuôi chim yến một cách bền vững và đặc biệt để xuất khẩu, xúc tiến thương mại, đấu tranh những rào cản thị trường, bảo vệ lợi ích cho những người sản xuất và kinh doanh sản phẩm yến thì cần thiết phải có Hiệp hội cho lĩnh vực này".