Công viên phần mềm Quang Trung - đồng hành cùng doanh nghiệp công nghệ thông tin

(VOH) - Khi nhìn vào TP.HCM, các nhà đầu tư công nghệ thông tin (CNTT) trong và ngoài nước nghĩ ngay đến Công viên phầm mềm Quang Trung (CVPMQT).
 

Công viên phần mềm Quang Trung

Từ một vùng đất hoang sơ trước đây lại trở thành CVPM, nơi hội tụ và diễn ra các hoạt động CNTT tầm cỡ khu vực phía Nam. Để phát triển mạnh mẽ như hôm nay, CVPMQT luôn đặt mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp.

Từ nguồn vốn ngân sách khoảng 210 tỷ đồng đầu tư cho cơ sở hạ tầng với khoảng 20 doanh nghiệp tham gia ban đầu, đến nay CVPMQT đã thu hút hơn 100 doanh nghiệp sản xuất phần mềm, dịch vụ CNTT và đào tạo nhân lực với tổng vốn đăng ký kinh doanh hơn 2.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chọn CVPMQT làm nơi hoạt động, chiếm 57% số doanh nghiệp tại đây. Bên cạnh đó, khoảng 35 doanh nghiệp kinh doanh văn phòng và các dịch vụ hỗ trợ với tổng vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng tham gia đã tạo ra một môi trường với rất nhiều tiện ích thu hút doanh nghiệp, người làm việc và học tập tại đây.

Doanh thu sản xuất phần mềm năm 2009 tại CVPMQT đạt xấp xỉ 100 triệu USD, mang lại giá trị gia tăng trên doanh thu đạt trên 50%. Các trung tâm tại đây hiện đang đào tạo 15.600 học viên. Hơn 75% diện tích trong tổng số 64.000 m2 văn phòng xây dựng đã được đưa vào sử dụng.

Thế nhưng theo ông Chu Tiến Dũng - Giám đốc CVPMQT thì đó chỉ là con số ước tính được trong thực tiễn, còn nhiều giá trị khác các doanh nghiệp cùng nhau mang lại khó cân đong hơn. Trong thời gian qua, diện mạo các doanh nghiệp thay đổi và giá trị doanh nghiệp tăng dần, góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị và thương hiệu của TP.HCM trong lĩnh vực phần mềm cũng như giá trị của chính CVPMQT trong và ngoài nước. CVPMQT cũng trở thành nơi cung cấp những kinh nghiệm thực tiễn quý báu để hình thành nên mô hình và chính sách phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung và khu công nghệ cao của Việt Nam.

Điều đặc biệt đầu tiên khi nói đến chính sách ưu đãi của CVPMQT là dịch vụ một cửa. Có thể nói đây là khu tập trung CNTT duy nhất hiện nay ở Việt Nam có được chính sách này. Tại CVPMQT, doanh nghiệp sẽ được cung cấp những dịch vụ tư vấn miễn phí cho chủ đầu tư về các thủ tục như thành lập doanh nghiệp, giấy phép đầu tư, dịch vụ xuất nhập khẩu, thủ tục giao đất thuê đất, giấy phép xây dựng, visa xuất nhập cảnh nhiều lần, gia hạn visa, và nhiều hỗ trợ khác. Bàn về những ưu thế này, ông Chu Tiến Dũng cho biết:

Điểm nhấn của CVPMQT trong thời gian qua là đã hình thành được một khu phần mềm tập trung có quy mô lớn nhất nước với cơ sở hạ tầng kĩ thuật và dịch vụ hoàn chỉnh. CVPMQT hiện sở hữu hệ thống kết nối cáp quang với băng thông quốc tế đa hướng lên đến 120Mbps, kết nối trong nước trên 1Gbps, hạ tầng trung tâm dữ liệu hiện đạt chuẩn TIER3 sẵn sàng cho các doanh nghiệp đặt máy chủ với độ an toàn và bảo mật cao. Ngoài hệ thống IP hiện đại hàng đầu, CVPMQT còn là điểm kết nối và quản trị kĩ thuật đối với hệ thống mạng Metronet của thành phố và có trung tâm ứng dụng giải pháp điện toán đám mây đầu tiên của IBM tại Việt Nam.

Giải pháp điện toán đám mây hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu các chi phí mua sắm và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả. Người dùng dịch vụ chỉ phải trả những chi phí thực sự sử dụng. Điều này phù hợp xu thế cắt giảm chi tiêu trong tình hình kinh tế hiện nay.

Cùng đồng hành với CVPMQT từ khi mới thành lập, ông Vũ Thành Nam Đức - Giám đốc phát triển nguồn lực, công ty Digi Texx -nhận xét về đối tác:

Công ty Digi Texx thành lập năm 2003 dưới hình thức doanh nghiệp vốn nước ngoài. Công ty chuyên cung cấp dịch vụ xử lý dữ liệu trong lĩnh vực số hóa và gia công quy trình nghiệp vụ cho thị trường Châu Âu. Đối với thị trường nội địa, công ty đang thực hiện dự án số hóa cho các đơn vị hành chính công ở thành phố như Chi cục thuế, UBND thành phố.

Sự hấp dẫn các doanh nghiệp CNTT đầu tư vào CVPMQT một phần vì môi trường làm việc thoáng đãng, nhiều cây xanh, điều mà các tòa nhà lớn ở trung tâm thành phố rất khó có được. Ông Hoàng Xuân Thanh, giám đốc IT của công ty Tường Minh cho biết điều này đã hấp dẫn các nhân viên công ty mình gắn bó tại đây.

Không chỉ ưu đãi doanh nghiệp lớn trong kinh doanh mà tại CVPMQT, những doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được ươm mầm phát triển. Vườn ươm doanh nghiệp phần mềm Quang Trung ra đời năm 2008, còn gọi là SBI. Đây là nơi hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp trẻ muốn khởi nghiệp trong ngành công nghệ phần mềm và dịch vụ CNTT. Doanh nghiệp chỉ cần trình bày ý tưởng hoặc kế hoạch kinh doanh khả thi, hội đồng xét tuyển bình chọn và nếu trúng tuyển thì doanh nghiệp này sẽ được SBI hỗ trợ trong vòng 3 năm. Các hoạt động hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp này được ông Đỗ Đình Nam - Giám đốc phát triển doanh nghiệp cho biết thêm:

Trước sự phát triển ngày càng lớn mạnh của CVPMQT, ông Lê Mạnh Hà - Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông thành phố, cơ quan quản lý CVPMQT phấn khởi cho biết trong tương lai cần nhân rộng thương hiệu CVOMQT hơn nữa. Sở đang cố gắng để tạo ra chuỗi CVPMQT tại các địa phương khác và thậm chí là nước ngoài nhằm khuếch trương hơn nữa thương hiệu CVPMQT.

Tuy nhiên, so với đòi hỏi từ thực tiễn kinh doanh, CVPMQT cần phải nâng tầm lên cao hơn nữa. Điều này cần có sự phối hợp từ nhiều phía: CVPMQT, chính quyền và doanh nghiệp nhằm tạo được sức mạnh cộng hưởng, tạo đà cho phát triển đột phá để CVPMQT là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp CNTT hoạt động tại Việt Nam.

Ngọc Lê