Dầu tăng, vàng ở ngưỡng an toàn, chứng khoán giằng co

(VOH) - Từ đầu tháng 12, vàng trong nước tăng gần 200.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, mức giá này chưa đủ bù đắp chênh lệch giá mua - bán các doanh nghiệp đưa ra khiến nhà đầu tư vẫn chịu lỗ.

Giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 41,30 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,48 triệu đồng/lượng (bán ra). So với phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng Doji giảm 20.000 đồng/lượng ở chiều mua vào. Giá vàng tuần tới nhận được dự đoán trái chiều của giới chuyên gia. Tuy nhiên nhà đầu tư nên theo dõi ngưỡng giá an toàn cho vàng để đưa ra quyết định phù hợp.

Các chuyên gia trên thị trường vàng cho rằng, hiện vàng đang ở ngưỡng giá an toàn và cần duy trì được trong ngưỡng từ 1450 đô la Mỹ/ounce đến 1470 đô la Mỹ/ounce. Nếu vàng rớt khỏi ngưỡng này có thể kích hoạt làn sóng bán tháo, coi như tín hiệu bi quan cho giá vàng. Các nhà đầu cơ nên bám sát diễn biến tăng giảm của giá vàng trong thời gian này.

Dầu tăng, vàng ở ngưỡng an toàn, chứng khoán giằng co

Từ đầu tháng 12, vàng trong nước tăng gần 200.000 đồng/lượng. Ảnh minh họa: internet

Phiên chiều ngày 20/12, giá dầu châu Á vẫn ở quanh mức cao nhất của gần ba tháng và hướng đến tuần tăng thứ ba liên tiếp, nhờ tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã “hạ nhiệt” phần nào. Theo đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 6 xu Mỹ lên 66,60 đô la Mỹ/thùng vào đầu giờ chiều. Tuy nhiên, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) lại giảm 6 xu Mỹ xuống 61,12 đô la Mỹ/thùng.

Những tiến triển trong cuộc tranh chấp thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đã thúc đẩy kỳ vọng về nhu cầu năng lượng cao hơn vào năm tới. Giới chuyên gia cho biết việc lượng dầu dự trữ của Mỹ suy giảm cũng hỗ trợ giá “vàng đen” duy trì quanh mức cao gần 3 tháng.

VN-Index đánh dấu một tuần giao dịch khá tiêu cực. Chỉ số sụt giảm về điểm số nhưng lại gia tăng về khối lượng giao dịch. Việc thanh khoản được cải thiện cho thấy mức độ sôi động của thị trường đang ở mức khá cao.

Hầu hết các cổ phiếu nhóm ngân hàng diễn biến khá tiêu cực trong tuần qua. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) vừa hạ triển vọng tín nhiệm của 18 ngân hàng tại Việt Nam. Các cổ phiếu nhóm này như CTG, VCB, MBB, HDB, TCB đồng loạt giảm điểm. Nhóm thực phẩm - đồ uống diễn biến khá lạc quan. Các cổ phiếu đại diện trong ngành như VNM, SAB, GTN, VCF đều tăng điểm tốt. Đặc biệt, các mã này đều nằm trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực nhất lên thị trường tuần qua.

Theo ông Trần Đức Anh - Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường của KB Securities Việt Nam, thị trường đang bước vào giai đoạn giằng co mạnh. Điều này sẽ khiến cho tâm lý thận trọng và bi quan càng trở nên mạnh mẽ hơn. Việc giữ tỷ trọng tiền mặt cao nên được ưu tiên trong giai đoạn này: “Với việc thị trường đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong nước lẫn ngoại biên, với việc đưa ra dự báo trong ngắn hạn 1, 2 tuần tới tương đối là khó khăn. Tuy nhiên, với quan điểm thị trường đang nằm ở vùng giá hấp dẫn, đang được định giá ở mức tương đối rẻ so với mặt bằng chung của các thị trường trong khu vực cũng như trong lịch sử của chỉ số VN Index. Tôi cho rằng kỳ vọng từ giờ đến cuối năm, thị trường có khả năng hồi phục và có khả năng sẽ tiệm cận ngưỡng 1.000 điểm lần nữa vào giai đoạn cuối năm”.