EU đã cố tình làm khó Việt Nam

(VOH) - Kể từ ngày 3/1/2010, Quyết định kéo dài thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da nhập khẩu từ VN của Liên minh Châu Âu sẽ chính thức có hiệu lực. Mức thuế mà EU áp dụng đối với VN là 10% và Trung quốc là 16,5% và kéo dài thêm 15 tháng.

Vấn đề hôm nay: EU đã cố tình làm khó Việt Nam

(VOH) - Kể từ ngày 3/1/2010, Quyết định kéo dài thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da nhập khẩu từ VN của Liên minh Châu Âu sẽ chính thức có hiệu lực. Mức thuế mà EU áp dụng đối với VN là 10% và Trung quốc là 16,5% và kéo dài thêm 15 tháng.

Có thể nói bằng quyết định này Liên minh Châu Âu đã đi ngược lại với xu thế ủng hộ thương mại tự do hiện nay của Thế giới và hành động này của EU đã gây sự phẫn nộ và bất bình cho giới sản xuất và kinh doanh của VN. “ Đây là một quyết định bất công và vô lý, không phản ánh đúng thực tế hoạt động sản xuất và kinh doanh mặt hàng giày da tại VN…” Bà Nguyễn Phương Nga người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã phát biểu có phần gay gắt như vậy trước báo giới tại cuộc họp báo chỉ 1 ngày sau khi nhận được thông tin nói trên.


Trên thực tế theo ông Lê Danh Vĩnh, Thứ trưởng Bộ Công Thương thì thị phần của hàng hoá VN trong tổng mức nhập khẩu vào Châu âu chỉ ở mức trên dưới 10%, tức là rất khiêm tốn và như vậy thì hoàn toàn không có khả năng bán phá giá như EU nhận định và phán quyết. Và như vậy khả năng cạnh tranh, gây sức ép hoặc đe doạ việc sản xuất kinh doanh của giới sản xuất kinh doanh trong EU là chưa thể xảy ra! EU dựa trên cơ sở nào để đưa ra mức áp thuế chống bán phá giá gây phản ứng mạnh đến vậy? Theo thông tin từ tổ chức này, EU đã lấy Brazil làm cơ sở để so sánh, đối chiếu, điều tra và cho ra những tính toán về biên độ bán phá giá…trong khi đó điều kiện của nước này lại không gần với VN. Tại sao lại không phải là Inđônêxia hay Thái lan mà lại là một nước Châu Mỹ có quá nhiều điểm khác biệt?


Dù sao đi nữa thì bằng quyết định này, EU đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới ngành xuất khẩu giày da của nước ta và hơn thế nữa đời sống người lao động của VN mà đa phần là phụ nữ trong ngành da giày phải điêu đứng. Cần nói thêm là trong 9 tháng của năm 2009, VN chỉ xuất sang EU lượng giầy dép trị giá 1,6 tỷ đô la, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2008. Rõ ràng là quyết định của Liên minh Châu Âu đã không khách quan và có vẻ như mang tính lợi ích cục bộ và thậm chí là cả màu sắc chính trị nữa. Nó đi ngược lại cam kết Quốc tế trong việc mở rộng và tạo điều kiện phát triển thương mại toàn cầu và đặc biệt là phủ nhận những cam kết và đồng thuận từ các cuộc gặp gỡ cấp cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta với một số nước thành viên Châu Âu. Họ đã không nhất quán trong hội đàm, ký kết và thực hiện. Vậy là ngành giày da VN còn phải chịu thiệt thòi trong 15 tháng nữa và rõ ràng là Liên minh Châu Âu đã cố tình làm khó VN.

 

Hoài Nam