Giá cao su: Biến thể mới của virus SARS-CoV 2 khiến cao su rớt giá

(VOH) – Giá cao su ngày 30/12 giảm trên cả hai sàn giao dịch chính là Osaka và Thượng Hải do ảnh hưởng từ Brexit và dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 30/12/2020, lúc 14h00, kỳ hạn tháng 5/2021, giảm 4,9 JPY, ghi nhận ở mức 230,1 JPY/kg. 

Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)

Giá cao su hôm nay 30/12/2020: Biến thể mới của virus SARS-CoV 2 khiến cao su rớt giá ảnh 1

Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 170 CNY (26,04 USD) xuống 14.030 CNY/tấn.

Tin mới nhất theo JLC Network Technology Co Ltd. cho biết, sản xuất lốp xe ở miền Bắc Trung Quốc đang bị hạn chế vì lý do bảo vệ môi trường, trong khi ở miền Đông Trung Quốc, việc hạn chế sử dụng điện đã ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy.

Mặt khác, tình trạng thiếu container vận chuyển cũng ảnh hưởng tới xuất khẩu lốp xe. Tất cả những yếu tố này dẫn tới nhu cầu cao su nguyên liệu sụt giảm.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cao su từ Mỹ, Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu (EU) từ ngày 20/12/2020, do ngành công nghiệp cao su nước này được cho là phải chịu thiệt hại đáng kể vì các đối tác thương mại trên bán phá giá các sản phẩm cao su tổng hợp.

Các mức thuế được áp dụng trong vòng 5 năm là 12,5% - 222% đối với các công ty nhập khẩu sản phẩm cao su tổng hợp được dùng rộng rãi trong xây dựng, dây điện và công nghiệp ô tô.

Thị trường cao su Malaysia đã duy trì đà giảm và các thị trường khác trong khu vực cũng chứng kiến xu hướng đi xuống vào cùng thời điểm. Nguyên nhân là do thị trường bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của giá dầu thô.

Mặc dù Nhật Bản và Singapore không sản xuất cao su còn Trung Quốc thì không xuất khẩu, thế nhưng những quốc gia này lại có khả năng chi phối thị trường cao su thiên nhiên một cách đáng kể.

Giá cao su hôm nay 30/12/2020: Biến thể mới của virus SARS-CoV 2 khiến cao su rớt giá ảnh 2

Sản lượng và tiêu thụ cao su tự nhiên năm 2021 sẽ cùng phục hồi

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong 10 ngày giữa tháng 12/2020, giá cao su tại sàn giao dịch hàng hoá Osaka Exchange và SHFE Thượng Hải tăng, giá tại Thái Lan giảm.

Tại Thái Lan, ngày 18/12/2020 giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 63,8 Baht/kg (tương đương 2,14 USD/kg), giảm 6,8% so với 10 ngày trước đó, nhưng tăng gần 38% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Cục Xuất nhập khẩu giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng trở lại trong những ngày gần đây, sau những chuỗi ngày giảm mạnh trước đó nhờ tình hình sản xuất tại Trung Quốc ổn định và thị trường kỳ vọng vào các biện pháp kích thích tài chính của Mỹ. 

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 11/2020 tăng tháng thứ 8 liên tiếp, với tốc độ tăng nhanh nhất trong 20 tháng do chi tiêu tiêu dùng tăng trở lại và xuất khẩu hàng hoá tăng. 

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), sản lượng cao su tự nhiên trên thế giới trong 10 tháng năm 2020 đạt 10,09 triệu tấn, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Năm 2021, tiêu thụ cao su tự nhiên trên thế giới dự đoán sẽ phục hồi trở lại, đạt 13,43 triệu tấn, tăng gần 5% so với năm 2020, mặc dù phục hồi nhưng tiêu thụ cao su tự nhiên vẫn thấp hơn so với năm 2019 (13,76 triệu tấn) và năm 2018 (13,89 triệu tấn).

Giá cao su hôm nay 30/12/2020: Biến thể mới của virus SARS-CoV 2 khiến cao su rớt giá ảnh 3
Ảnh minh họa - Internet 

Ấn Độ đồng loạt giảm nhập khẩu cao su từ các thị trường chính

Indonesia, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam và Thái Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Ấn Độ, tuy nhiên nhập khẩu cao su từ các thị trường này đều sụt giảm mạnh cả về lượng và trị giá.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam là thị trường lớn thứ 4 cung cấp cao su cho Ấn Độ với 47,2 nghìn tấn, trị giá 68,73 triệu USD, giảm 52,5% về lượng và giảm gần 54% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. 

Thị phần cao su, cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng nhập khẩu cao su của Ấn Độ cũng giảm từ 12,58% trong 9 tháng đầu năm 2019, xuống còn 7,68% trong 9 tháng đầu năm 2020.

Cơ cấu thị trường chính cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ trong 9 tháng đầu năm 2020 có sự thay đổi khi thị phần cao su của Việt Nam, Malaysia và Thái Lan trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm, trong khi thị phần của Indonesia, Bờ Biển Ngà và Singapore lại tăng.

Cùng thời gian, Ấn Độ cũng giảm nhập khẩu mặt hàng cao su tổng hợp (mã HS: 4002), với 279.640 tấn, trị giá 491,45 triệu USD, giảm 18,5% về lượng và giảm 31,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, trong đó Hàn Quốc, Nga, Singapore, Nhật Bản và Mỹ là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho Ấn Độ. 

Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp chính cho Ấn Độ trong 9 tháng đầu năm 2020 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Nga trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm, trong khi thị phần của Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Mỹ tăng. 

Thị phần cao su tổng hợp Việt Nam chỉ chiếm 0,1% trong tổng nhập khẩu cao su tổng hợp của Ấn Độ.