Giá thép xây dựng hôm nay 03/09/2020: Thép thanh tăng liên tiếp, giá quặng sắt cao nhất 2 tuần

(VOH) - Giá thép ngày 03/09 tăng mạnh 43 đồng nhân dân tệ. Theo dự đoán của Mysteel, giá thép tại Trung Quốc có thể tăng cao hơn nữa trong tháng này.

Giá thép thế giới tăng mạnh

Giá thép hôm nay giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 43 đồng nhân dân tệ lên 3.814 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h00, ngày 03/09, giờ Việt Nam.

Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng, được thúc đẩy bởi kỳ vọng sản lượng thép và nhu cầu tại Trung Quốc tăng, trong bối cảnh triển vọng hoạt động kinh tế toàn cầu được cải thiện.

Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 1,1% lên 854,5 CNY (125,21 USD)/tấn, tăng phiên thứ 5 liên tiếp, trong phiên có lúc đạt 850 CNY/tấn, cao nhất kể từ ngày 20/8/2020.

Đồng thời, giá quặng sắt trên sàn Singapore tăng 1,3% lên 121,1 USD/tấn.

Giá quặng sắt tại Trung Quốc – nơi chiếm hơn 1/2 sản lượng thép thế giới – tăng vọt lên 100 USD/tấn kể từ cuối tháng 5/2020, đạt mức cao đỉnh điểm trong tháng 8/2020 do nhu cầu nội địa tăng mạnh, được thúc đẩy chủ yếu bởi lĩnh vực xây dựng tăng. 

Giá thép cây xây dựng điều chỉnh tăng 0,1%, trong khi thép cuộn cán nóng và thép không gỉ hầu như không thay đổi về giá so với phiên trước đó.

Trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, hợp đồng quặng sắt đóng cửa ở mức 854,5 nhân dân tệ/tấn, tăng 1,1% so với ngày 1/9. Đây cũng là phiên tăng thứ 5 liên tiếp được ghi nhận trên Sàn. Bên cạnh đó, giá than luyện cốc tăng 1,9% trong khi than cốc tăng 1,7%.

Còn tại Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 10 tăng 1,3% lên mức 121,1 USD/tấn trong phiên giao dịch buổi chiều cùng ngày (2/9).

Theo dự đoán của Mysteel, giá thép tại Trung Quốc có thể tăng cao hơn nữa trong tháng này. Nhiều công trình được tái thiết sau trận mưa lớn và lũ lụt gần đây, cộng thêm các dự án xây dựng mới sắp khởi công sẽ có vai trò thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thép cây tại quốc gia tỉ dân.

Còn tại Ấn Độ, việc tăng giá trong tháng này sẽ đưa giá thép lên mức trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, sự thay đổi này vẫn thấp hơn so với mức đỉnh của giá thép cuộn cán nóng là 46.000 rupee vào tháng 11/2018.

Chỉ vài ngày trước, Liên đoàn Công nghiệp Khoáng sản Ấn Độ (Fimi) đã viết thư cho Thủ tướng Narendra Modi, yêu cầu Thủ tướng thiết lập cơ chế giám sát và điều tiết giá bán thép của các nhà sản xuất hợp kim.

Một nhà sản xuất chỉ ra rằng, giá quốc tế đã tăng 120 USD/tấn sau thời điểm tháng 6 năm nay, còn giá thép trong nước mới bắt đầu tăng từ tháng 7, sau khi giảm gần 3.000 rupee/ tấn trong 3 tháng trước đó, theo thông tin từ Business Standard.

Thép trong nước "khóc ròng" giữa mùa mưa

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong nước 7 tháng của năm đã ghi nhận mức tăng trưởng âm.

Cụ thể, sản xuất thép các loại giảm 6,9%; bán hàng giảm 9,6%; trong đó, xuất khẩu thép giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện Hiệp hội Thép cho hay, thị trường thép toàn cầu có hy vọng khả quan hơn vào quý III/2020, nhưng sự tái bùng phát dịch COVID-19 đã cho thấy những thách thức.

Hiện nay, các thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn do các quốc gia vẫn trong giai đoạn đóng cửa, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra và sự cạnh tranh do giá nguyên liệu.

Tại Việt Nam, tình hình tiêu thụ thép có khởi sắc trong giai đoạn sau giãn cách vào tháng 4 nhưng tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, do thời điểm này bước vào mùa mưa nên việc tiêu thụ thép chậm lại. Tuy nhiên, điểm sáng là Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công giúp tăng nhu cầu.

Bên cạnh mức tiêu thụ giảm do dịch COVID-19 và bước vào mùa mưa, ngành thép cũng phải đối mặt với việc giá nguyên liệu sản xuất tăng cao.

Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam, hiện giá nguyên liệu sản xuất thép 3 tháng gần đây đã tăng trở lại sau một thời gian giảm. Giá nguyên liệu sản xuất thép tăng đã gây sức ép lớn lên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm trong khi diễn biến dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp.

Dù giá nguyên vật liệu sản xuất thép tăng lên từ nhiều tháng nay, nhưng giá bán trong nước tháng 7 vừa qua ở khoảng 11 triệu đồng/tấn, giảm so với các tháng trước. Các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất buộc phải giữ giá thành, hoặc giảm nhẹ để cạnh tranh thị phần.

Giá thép xây dựng hôm nay 02/09/2020: Giá quặng sắt và thép cây tiếp đà tăng do nhu cầu tăng cao- Giá thép ngày 02/09 tiếp tục tăng nhẹ do nhu cầu tăng cao. Giá quặng sắt cũng tăng do hoạt động nhà máy tại Trung Quốc cao hơn so với dự kiến.
Giá vàng hôm nay 03/09/2020: Quay đầu giảm mạnh – Giá vàng giảm mạnh khi chịu áp lực bởi chỉ số đô la Mỹ cao hơn, giá dầu thô giảm và sự phục hồi của thị trường chứng khoán toàn cầu.